Đi chợ qua facebook: Tiện lợi kèm với rủi ro

02/06/2017 - 10:16
Món gì cũng có, mà không phải di chuyển, mua bán, mặc cả. Hình thức đi chợ qua facebook được nhiều chị em lựa chọn trong những ngày nắng cháy da, cháy thịt. Thế nhưng, không ít người tiêu dùng nhận trái đăng hoặc dở khóc dở cười.
“Nắng nóng thế này, ăn uống còn chả thiết, nói gì đến đi chợ, nấu nướng”. Than thở thế, nhưng cứ đến 11h trưa là chị Nguyễn Thị Huệ (phố Định Công, Hà Nội) lại nhấp nha nhấp nhổm lo chạy về nhà để chợ búa, nấu nướng cho hai con đang nghỉ hè. Thấy đồng nghiệp tất ta tất tưởi đi về giữa trưa hè, mấy cô bạn cùng phòng mách chị cách đi chợ trên facebook.

Món gì cũng có

Thử vào thăm quan “nhà” Bếp của bà, bếp của mẹ, bếp bà Chà, HelloMăm… hay một vài nick bán đồ ăn có tiếng, chị Huệ mới thấy, hàng hóa không thua chợ nhà chị chút nào. Gi gỉ gì gi, món gì cũng có, từ cơm văn phòng, cơm chay, đến các món ăn được chế biến sẵn, món ăn tươi sống, món ăn vặt, trái cây, đồ giải nhiệt, giải khát…
screenshot_2017-06-01-20-50-31-1-copy.jpg
 Những món ăn được rao bán trên facebook
screenshot_2017-06-01-20-53-33-1-copy.jpg
 Không chỉ có món ăn chính, còn có cả món ăn vặt
Chỉ cần vài dòng inbox nhắn tin cho người bán, không cần phải về nhà, chị Huệ cũng lo được một bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng cho con và chuẩn bị sẵn được cả đồ ăn cho bữa tối.
fb_img_1496362464431.jpg
 Chè là một trong các món ăn đắt khách trong ngày nóng
Chị Hiền Nguyễn (phố Thái Thịnh, Hà Nội), chuyên bán các món đồ ăn chế biến sẵn và đồ uống giải khát trên facebook cho biết, thời tiết nắng nóng như mấy hôm gần đây, nhu cầu đặt đồ ăn của khách hàng đã tăng lên gấp ba, gấp bốn lần mọi khi. Chị phải thuê thêm tới ba nhân viên và tăng thêm số lượng nhân viên giao hàng nhưng cũng kịp phục vụ khách. Đắt hàng nhất vẫn là các món dễ ăn như miến trộn, phở cuốn, bún đậu hay nước ép trái cây, chè tráng miệng.  

Những tình huống dở khóc dở cười

Tiện lợi, nhanh chóng, nhưng cũng không ít tình huống dở khóc dở cười khi đi chợ online. Ngay trưa hôm qua thôi, đặt cho con hai suất mì xào, hẹn 11 giờ trưa giao hàng, nhưng chờ đến 12h con chị Huệ vẫn đói meo vì chưa có đồ ăn. Gọi điện ba, bốn lần để giục, người bán liên tục năn nỉ: chị chờ thêm một chút, người giao hàng vừa đi rồi. Chị Huệ đành phải động viên con cố đợi, vì đã trót chuyển tiền thanh toán online rồi.

Một số chị em khác cũng phải ngậm ngùi vì đặt bánh pizza, mà đến khi nhận hàng, nhìn chiếc bánh nhân đi đằng nhân, bánh đi đằng bánh.
nong.jpg
 Chiếc bánh pizza không còn ngon miệng sau quá trình vận chuyển.
Ảnh minh họa
Cũng có trường hợp, đặt mì bò thì lại giao mì hải sản, cơm sườn lại nhầm sang cơm cá kho… Không chỉ có vậy, rủi ro khi nhìn ảnh, đọc quảng cáo đặt hàng cũng làm người mua hàng cảm thấy như bị lừa. Một suất bánh mì bít – tết đầy đặn, nhìn đã muốn ăn trên facebook đến khi giao hàng thì chỉ là một miếng thịt bé tí teo, kèm theo vài miếng khoai tây chiên nguội ngắt. Bực vậy, nhưng nhìn cậu giao hàng mặt mũi đỏ phừng phừng giữa trưa nắng cũng không nỡ bắt đền.  

Đi chợ facebook cũng phải có bí quyết riêng

Khi đi chợ trên facebook, không được nhìn, cầm hay nếm hàng trực tiếp, nên người mua cũng cần phải tỉnh táo, để tránh bị mất tiền mà vẫn mang bực vào người. Nên mua hàng của những người mình biết, hoặc bạn bè, đồng nghiệp đã từng đặt hàng và kiểm định chất lượng. Nếu mua hàng của những người bán lạ, nên đọc qua các lời bình luận, nhận xét của khách mua hàng trước đó để chọn nơi phù hợp với khẩu vị, sở thích.
fb_img_1496324374071.jpg
 Để mua được món ngon trên facebook cũng cần có bí quyết
Với những mặt hàng chế biến sẵn như đồ ăn uống, nên chọn của những người bán hàng có uy tín. Người mua cũng không nên tin tưởng 100% vào những bức ảnh sản phẩm đăng trên mạng. Đôi khi người bán có thể lấy hình minh họa trên mạng, hoặc chỉnh sửa hình ảnh để món ăn hấp dẫn hơn. Nên ưu tiên lựa chọn những người bán dùng hình ảnh thật, sản phẩm thật và đừng quên hỏi họ định lượng món ăn bao nhiêu gram hoặc bao nhiêu ml để tính toán đặt hàng cho phù hợp.

Khi mua đồ tươi sống về để chế biến, nên kiểm tra kỹ đồ trước khi nhận để tránh mua phải đồ không tươi mới. Nên hẹn nhận hàng sớm hơn thời gian định chế biến khoảng 30 phút để đề phòng người bán giao hàng không kịp giờ. Lựa chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng cũng là một cách để hạn chế rủi ro khi mua đồ.       

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm