"Đi chợ thời Cô Vy"

Hưng Long
10/04/2020 - 17:11
"Đi chợ thời Cô Vy"

Người dân có nhu cầu đi chợ chỉ cần ngồi ở nhà lướt mạng xã hội và có người giao hàng đến tận nơi

Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội khiến nhiều chị em buồn miệng, không thể đi ra đường để đi mua đồ ăn vặt. Do đó, nỗi bức bách "lên mạng ăn vặt” đã được doanh nghiệp giải tỏa nhằm giúp cho thực khách thỏa mãn niềm đam mê này.

Chị Trần Thị Thùy Dương (ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) có thói quen ăn vặt trong thời gian nghỉ tránh dịch cúm COVID-19. Chị Dương tuân thủ mọi quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng thói quen ăn vặt thì không thể nào "cai" được. Đúng lúc này, dịch vụ "đi chợ an toàn mùa dịch" và "đi chợ mùa Cô Vy" của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nông nghiệp An Giang (viết tắt: HTX Nông nghiệp An Giang) ra đời.

Chị Dương được bạn bè cho vào nhóm chuyên ăn vặt của người dân địa phương thông qua mạng xã hội. Ở trong nhóm này, chị Dương có thể chọn cho mình những món ăn giải tỏa cơn "buồn miệng" như một thói quen. Chị còn khám phá nhiều điều hấp dẫn là không phải đến tận chợ để mua hàng mà chỉ cần lướt mạng để đặt mua. Chị Dương ngạc nhiên hơn khi những nơi chị thường xuyên lui đến để mua hàng đều được cập nhật để chị có thể đặt hàng một cách tiện lợi.

Trao đổi với PV Báo PNVN, anh Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Giang -cho biết, HTX mong muốn phục vụ nhu cầu "ăn cái gì, uống cái gì, uống quán nào" đến tận nhà cho bà con địa phương. Mỗi lần đi chợ giúp bà con, HTX chỉ thu phí giao hàng là 10 ngàn đồng trong phạm vi nội ô thành phố. Ngoài phạm vi thì tùy theo quãng đường sẽ thu phí thêm.

Dịch vụ nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên HTX và hỗ trợ người dân trong mùa dịch. Người dân ở nhà có nhu cầu ăn uống nếu ra ngoài đường không biết cách phòng chống sẽ dễ bị lây nhiễm bệnh. Nhân viên của HTX được trang bị khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giao hàng. Sau khi tiếp xúc khách hàng, nhân viên tiếp tục thực hiện các công đoạn khử khuẩn để đảm bảo cho đợt giao hàng kế tiếp.

Anh Phong cho biết, hàng ngày, HTX niêm yết giá cả hàng hóa biến động theo thị trường để người dân có thể tham khảo và chọn mua giá đúng. Người dân có thể chỉ định cho nhân viên HTX đến những nơi quen thuộc để lấy hàng và giao hàng tận nhà.

Lợi cả đôi đường

Chị Bùi Thị Thanh Tuyền (ngụ phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên) kể, buổi sáng thức dậy, gia đình chị muốn ăn sáng ở tiệm nào, uống cà phê ở nơi nào thì có người đến giao đồ ăn. Sau khi nhận đơn hàng, nhân viên sẽ đến nơi bán hàng để lấy hàng và giao tận nhà. Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dịch vụ "đi chợ an toàn mùa dịch" và "đi chợ mùa Cô Vy", gia đình chị Tuyền không phải ra khỏi nhà mỗi lúc cần đi chợ.

Mỗi khi có thắc mắc về dịch vụ, chị Tuyền gọi điện thoại đến tổng đài của HTX Nông nghiệp An Giang (Hotline: 029.63.667667 - 029.63.727272) để tư vấn và nhận được giải đáp nhiệt tình. Chị Tuyền nhận định, nhiều bà nội trợ có thói quen lướt mạng xã hội Facebook, Zalo để tìm mua các đồ dùng thường ngày và doanh nghiệp phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Lên mạng ăn vặt thời Cô Vy  - Ảnh 2.

Hàng hóa được các nhân viên gao hàng bảo vệ kỹ nhằm tránh bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, từ khi dịch vụ ra đời, tổng đài đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi để được hướng dẫn, tư vấn và đặt hàng. Nhiều người dân đã thay đổi thói quen và hạn chế ra đường, chung tay cùng các cơ quan phòng chống dịch ở địa phương.

Về lâu dài, HTX làm vui lòng tất cả các bà nội trợ nhằm hạn chế đi ra đường để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. "Đi chợ" giúp người nội trợ chỉ là cầu nối giữa bên mua và bên bán sản phẩm. Để thay đổi được tập quán của các bà nội trợ cần phải có thời gian dài vì thói quen thì không thể "một sớm một chiều".    

Đối với chị em nội trợ, dịch vụ "đi chợ an toàn mùa dịch" và "đi chợ mùa Cô Vy" này rất hay. Mỗi sáng, HTX đăng trên mạng xã hội giá cả, hàng hóa, các mặt hàng nhu yếu phẩm trong ngày. Giá cả niêm yết ngang bằng với giá tại chợ và bà nội trợ chỉ phải trả thêm khoảng tiền vận chuyển về đến tận nhà là 10 ngàn đồng. Nhất là trong mùa dịch bệnh này, người giao hàng được trang bị các biện pháp phòng bệnh, khử khuẩn nên có thể hạn chế lây lan bệnh khi người nội trợ trực tiếp đi ngoài đường.

Nguyễn Thị Quyến - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang

Ông Phong phân tích, người nội trợ sẽ thích nghi với nhịp sống đi chợ thời công nghệ 4.0 là cả một vấn đề. HTX cam kết giao đúng, giao đủ số lượng hàng đã đặt mua và nếu không đúng sẽ trả hàng lại theo yêu cầu của khách hàng. Hàng đến tay người nội trợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. HTX liên kết với đơn vị bán có uy tín, chất lượng.

HTX nhắm đến 2 hướng: Hàng hóa do người nội trợ tự đặt mua và hàng do HTX cung cấp, giới thiệu. Hàng đến tận tay, người mua sẽ kiểm tra hàng như: Thịt cá, rau sống, hành, tỏi… Đủ số lượng, đúng chất lượng sẽ thanh toán đơn hàng và phí giao hàng. Một bài toán: nếu người nội trợ tự đi ra đường mua hàng sẽ tốn các khoản chi phí gửi xe, người chở, xăng xe…. thì dịch vụ đi chợ giúp họ tiện lợi đôi đường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm