pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dịch Covid-19 đến 6h ngày 11/4: Hơn 100.000 người tử vong
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ ngày 11/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.695.712 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi số ca tử vong đã lên tới 102.566 trường hợp.
Đến nay, trên toàn cầu đã có 375.958 bệnh nhân COVID-19 bình phục hoàn toàn, trong khi có 49.833 trường hợp đang nguy kịch.
Đại dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch COVID-19, với tổng số bệnh nhân là 500.879 người và số ca tử vong là 18.637. Nước có số ca tử vong cao nhất là Italy với 18.849 trường hợp trên tổng số 147.577 bệnh nhân COVID-19.
Ca tử vong đầu tiên do COVID-19 được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc vào ngày 9/1.
Trải qua 83 ngày, thế giới ghi nhận 50.000 ca tử vong và chỉ 8 ngày sau đó, con số này đã chạm mức 100.000 ca.
Trong tuần qua, số ca tử vong đã tăng nhanh với tỷ lệ tăng mỗi ngày vào khoảng 6-10% và có gần 7.300 người tử vong do dịch bệnh trên toàn cầu được ghi nhận chỉ trong ngày 9/4.
Số liệu tử vong của dịch COVID-19 đã ngang với đại dịch hạch London vào giữa những năm 1660 gây ra cái chết của khoảng 100.000 người, tương đương khoảng 1/3 dân số của thành phố này vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với căn bệnh thường gọi là cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918 khiến hơn 20 triệu người tử vong tính tới thời điểm nó biến mất vào năm 1920.
Với số liệu thống kê trên 100.000 ca tử vong trong số trên 1,6 triệu ca mắc bệnh, hiện tỷ lệ tử vong của dịch COVID-19 là 6,25%, song nhiều chuyên gia tin rằng tỷ lệ thực tế sẽ thấp hơn do nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện gì, trong khi số liệu tổng hợp không bao gồm những người mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Một số quốc gia như Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh có tỷ lệ tử vong lên tới trên 10%.
(TTXVN/Vietnam+)