Điểm sáng trong chương trình phổ thông mới khiến học sinh, phụ huynh hào hứng

04/01/2019 - 16:08
Dù chưa hình thành cụ thể môn học trong chương trình tổng thể, nhưng giáo dục STEM bắt đầu được định hướng dần trong chương trình phổ thông mới - điều chương trình hiện hành ở các trường công lập chưa thật sự chú trọng. Đây được xem là điểm sáng của chương trình mới đang được nhiều học sinh, phụ huynh đón nhận.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng, vai trò của giáo dục STEM chủ yếu dạy học theo chủ đề liên môn, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, câu lạc bộ khoa học - công nghệ. Các hoạt động tham quan, thực hành, giao lưu với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cũng được chú trọng hơn trong cách thiết kế chương trình.

Các hoạt động dạy và học có thể được thực hiện ở phòng học bộ môn, vườn trường, không gian sáng chế (makerspaces) hoặc ở các cơ sở giáo dục, đơn vị kinh tế - xã hội ngoài khuôn viên trường học. Giáo dục STEM còn được thể hiện rõ trong một số chương trình môn học, như chương trình môn Hóa học, Công nghệ, Toán và Tin học.

stem.jpg
Với hệ thống giáo dục công lập, các môn stem chưa thực sự phổ biến. Ảnh minh họa 

Cụ thể, các kiến thức trong môn Hoá học đều có mối quan hệ hữu cơ với các môn học khác như Toán học, Vật lí, Sinh học. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình, thông qua mô hình STEM, học sinh được học Hoá học trong một chỉnh thể có tích hợp với Toán học, Công nghệ, Kĩ thuật và các môn khoa học khác.

“Học sinh còn được trải nghiệm, được tương tác với xã hội, với các doanh nghiệp, từ đó kích thích được sự hứng thú, tự tin, chủ động trong học tập, hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù; tạo ra sản phẩm giáo dục đáp ứng với nhu cầu nguồn nhân lực hiện đại” - ông Thuyết nhấn mạnh.

Đối với môn Công nghệ, giáo dục STEM được thực hiện thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập từ tiểu học tới trung học, như mô hình điện gió, điện mặt trời, ngôi nhà thông minh, các bài toán thiết kế kĩ thuật và công nghệ, nghề nghiệp STEM; các dự án nghiên cứu thuộc các lĩnh vực kĩ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, robot và máy thông minh.

Khi triển khai chương trình, giáo dục STEM trong dạy học môn Công nghệ sẽ tiếp tục được mở rộng thông qua dạy học các chủ đề liên môn giữa các môn học. Về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, môn Công nghệ và giáo dục STEM đều chú trọng hoạt động, thực hành, trải nghiệm và định hướng sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để triển khai dạy học nhiều nội dung công nghệ tiếp cận STEM.

Với Chương trình môn Toán, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Toán là môn học công cụ. Kiến thức toán học được khai thác, sử dụng nhiều trong các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Địa lí….

Những khai thác có tính tích hợp như vậy vừa mang lại hiệu quả đối với việc học tập các môn học đã nêu, vừa góp phần củng cố kiến thức toán học, đồng thời góp phần rèn luyện cho học sinh năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học) Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Những học sinh theo học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có những ưu thế nổi bật như: Kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh.

Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như Học qua dự án - chủ đề, Học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp Học qua hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học tích hợp STEM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm