Đó là các hoạt động thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới tỉnh Điện Biên năm 2018, thuộc giai đoạn 2016-2020.
Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn trong năm 2018 được triển khai tại 23 xã/9 huyện, thị xã trong tỉnh Điện Biên.
Ngành y tế của tỉnh cũng hướng tới hỗ trợ 713 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 12 xã/7 huyện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình.
Mục tiêu chung của Chương trình được ngành y tế tỉnh Điện Biên đưa ra nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Phó giám đốc Sở Y tế Điện Biên Lường Văn Kiên cho hay, chương trình đặt mục tiêu 100% hộ dân của 10 xã triển khai "vệ sinh toàn xã" năm 2018 được tuyên truyền vận động xây dựng, sử dụng nhà tiêu cải thiện và được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch.
Bên cạnh đó, 100% cán bộ trạm y tế xã phụ trách hoạt động vệ sinh môi trường và nhân viên y tế thôn/bản của 10 xã triển khai chương trình được đào tạo, tập huấn về: các mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường nói chung và nhất là nhà tiêu của hộ gia đình, trường học và trạm y tế.
Trên 70% số hộ gia đình tại 10 xã triển khai “Vệ sinh toàn xã” năm 2018 có nhà tiêu cải thiện.
Trong năm 2018, Sở Y tế Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động để 100% cán bộ chính quyền, tổ chức đoàn thể tham gia chương trình tại địa phương và những người có uy tín tại thôn/ bản (như trưởng thôn, già làng) của 10 xã triển khai chương trình được cung cấp thông tin về: tầm quan trọng của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nông thôn.
Cục Quản lý môi trường y tế, Ngân hàng Thế giới xây dựng các biểu mẫu báo cáo chuẩn để theo dõi việc thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường vệ sinh. Các báo cáo sẽ được sử dụng để thẩm tra việc thực hiện kế hoạch. Báo cáo sẽ có đủ chi tiết nội dung các hoạt động của chương trình để theo dõi, đánh giá.
Trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 68 cuộc giám sát, khảo sát, đánh giá, hỗ trợ chuyên môn cho các hoạt động của Chương trình do tuyến huyện, xã thực hiện./.