Ngoài ra, muốn chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm đòi hỏi một lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP, quản lý thị trường hùng hậu. Trong khi cả nước chỉ có khoảng gần 400 thanh tra chuyên ngành ATTP (ở Nhật Bản con số này là 12.000 người). Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự cống bố chát lượng và đưa sản phẩm ra thị trường thì không đủ nhân lực để kiểm soát chất lượng, nguy cơ mất ATTP với những thực phẩm này dễ xảy ra.
Hiện có doanh nghiệp sản xuất bánh chocolate phản ánh, sử dụng 12 nguyên liệu nhập khẩu thì phải xin 12 “giấy phép con” và 1 “giấy phép mẹ” xác nhận công bố thành phẩm. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, thủ tục như vậy là “hành” doanh nghiệp, là mầm mống của tiêu cực. Vì thế, nếu để doanh nghiệp tự công bố chát lượng sản phẩm, sẽ mất ít thời gian hơn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nga cho rằng, thông tin trên là không chính xác. Theo bà Nga, Thông tư 19 của Bộ Y tế quy định, tất cả nguyên liệu sử dụng trong sản xuất, bán trong siêu thị hay các khách sạn 4 sao trở lên đều được kê dưới dạng một bảng kê. Việc này nhằm giúp kiểm soát sử dụng nguyên liệu đúng theo quy chuẩn của Việt Nam, còn giấy công bố cho sản phẩm cuối cùng thì chỉ cần 1 giấy cho 1 sản phẩm. Nói cách khác, không phải doanh nghiệp mất 13 loại giấy tờ như dẫn chứng trên mà chỉ cần 1 tờ giấy làm các bảng kê các loại nguyên liệu trên.
Để giảm bớt thủ tục hành chính, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 38, quy định chi tiết về thi hành Luật ATTP, Cục ATTP cũng đã đề xuất giảm nhiều thủ tục như: Miễn đăng ký công bố sản phẩm cho những nguyên liệu nhập vào chỉ để xuất khẩu; miễn ghi nhãn tiếng Việt cho những sản phẩm nhập vào để gia công và xuất khẩu chứ không tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; miễn kiểm tra nhà nước với hàng thực phẩm nhập vào để bán tại các cửa hàng miễn thuế… Với những thủ tục cần thiết thì vẫn phải giữ lại vì thực phẩmP là mặt hàng trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Còn những cán bộ lợi dụng thủ tục để có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực thì phải xử nghiêm.
"Bởi thế, nếu không có bước kiểm soát này, doanh nghiệp cứ sản xuất sau đó tự mình công bố rồi bán ra thị trường thì không ai dám chắc sản phẩm đó có đạt các tiêu chuẩn hay không. Thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng chẳng biết sản phẩm của mình có đạt tiêu chuẩn hay không", bà Nga cho biết.