pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đội Công binh Việt Nam giúp người dân Abyei thoát khỏi cảnh ngập úng và bùn lầy
Trẻ em Thị trấn Abyei vui mừng khi đường làng đã khô ráo, không còn ngập trong bùn lầy
Cứ mùa mưa là toàn Thị trấn nhiều ngày bị ngập trong nước
Theo thông tin từ Đội Công binh số 1 Việt Nam, Thị trấn Abyei là trung tâm của khu vực Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, có diện tích khoảng 20 km2. Dân số khu vực này thường xuyên biến động nên ít được thống kê đầy đủ do tình hình an ninh, song ước tính khoảng 50.000 người. Trước đây, dân số sống rải rác nhưng nay do tình hình an ninh bất ổn, người dân các vùng lân cận đổ về sống xung quanh Phái bộ UNISFA để được đảm bảo an ninh, an toàn. Địa hình Thị trấn Abyei tương đối bằng phẳng, hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mùa mưa đến là bị ngập, nhân dân sống trong nước và bùn lầy.
Ngay từ những trận mưa đầu mùa đã làm cho toàn Thị trấn bị ngập trong nước. Cùng với cuộc sống nghèo khó, hầu như không nhà nào có nhà vệ sinh, đa số là tự phát, cho nên dịch bệnh phát sinh lan rộng trong cộng đồng. Trước tình hình đó, Thị trưởng Thị trấn Abyei đã cầu cứu Phái bộ UNISFA hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân địa phương.
Đội Công binh đã cùng với Phòng Công binh của Phái bộ tiến hành khảo sát đánh giá tình hình. Qua khảo sát cho thấy vấn đề khó nhất của thoát nước ở khu vực này là địa hình không có độ dốc, độ cao giữa mực nước sông và các khu dân cư không chênh lệch nhiều. Sau khảo sát, Công binh Việt Nam và Cơ quan công binh Phái bộ thống nhất sẽ dẫn thoát nước tới 2 vị trí, một là khu vực hồ chứa nước của Phái bộ, hai là khu vực đầm lầy cuối thị trấn. Trước tình thế cấp bách, Đội Công binh số 1 của Việt Nam đã triển khai 3 máy xúc, các loại xe tải tự đổ triển khai thực hiện nhiệm vụ cải tạo hệ thống kênh rạch thoát nước chống ngập cho khu vực Thị trấn Abyei.
Vận dụng công tác dân vận khéo để thực hiện nhiệm vụ
Tuy nhiên, khi đơn vị đến thực địa, người dân địa phương nhầm lực lượng Việt Nam với một nước châu Á phổ biến ở Châu Phi nên rất thiếu sự hợp tác, không cho thi công, kể cả có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, kể từ khi Phái bộ UNISFA được thành lập đến nay mới có một đơn vị GGHB LHQ đến hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương nên họ nghi ngờ là chuyện hiển nhiên.
Thấu hiểu những gian nan vất vả của người dân nơi đây, các chiến sĩ Công binh của ta đã khéo léo, tiếp cận già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động; các anh đã không ngại khó khăn, đi đến từng nhà để thuyết phục, để sẻ chia những khó khăn vất vả với người dân nơi đây. Với kinh nghiệm và sự khéo léo trong công tác dân vận, bằng tình cảm chân thành của người lính Bộ đội Cụ Hồ, chỉ trong thời gian ngắn, các anh đã cảm hóa và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân địa phương.
Chỉ trong 2 ngày đầu khơi thông và cải tạo dòng chảy, nước trong Thị trấn đã rút. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề, Đội Công binh Việt Nam đã cải tạo toàn bộ hệ thống mương thoát nước, cả trục chính và hệ thống các trục phụ từ trong làng kết nối liên hoàn, với hy vọng, các mùa mưa tiếp theo sẽ không còn cảnh ngập lụt nữa.
Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn vật dụng
Tuy nhiên, khi khơi mương rộng hơn, sâu hơn thì vấn đề đặt ra là đường vào nhà dân thế nào, vì Phái bộ UNISFA không cho vật liệu để làm cống qua đường. Đã giúp dân thì phải giúp tới cùng, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, Đội Công binh Việt Nam cử cán bộ đi gõ các cửa cơ quan của Phái bộ để xin các ống cống cũ phế liệu, không còn sử dụng nữa về sửa chữa, gia công lại được138m cống tròn, lắp đặt được 36 cống qua đường làm đường đi cho dân. Nhu cầu lắp cống thì nhiều, mà số lượng xin được có hạn, cho nên Đội Công binh đã phải khắc phục bằng cách lấy các thanh gỗ, xếp bao cát lên cho dân đi.
Trong quá trình thi công, các anh đã tận mắt chứng kiến cảnh các em học sinh cấp 2, 3 phải lội bùn bì bõm trên con đường ngập lụt lầy lội để vào trường. Đội Công binh Việt Nam lại quyết tâm làm một con đường dài gần 200m vào trường để các em thoát khỏi cảnh lội nước đi học.
Sau khi con đường được hình thành thì lại thiếu đất đá Murran (đá ong) làm mặt thì đường luôn khô ráo, không bị lầy lội trơn trượt. Tuy nhiên, đá Murran trên địa bàn rất hiếm và đắt đỏ (65 USD/m3). Đội Công binh đã xin số xi-măng của Phái bộ đã bị đông cứng để rải lên làm mặt đường, thế là học sinh có một lối đi khô ráo, cứng cáp, hết cảnh lội bùn. Với tinh thần đã giúp là phải giúp tới cùng, Đội công binh đã bổ sung gần 100m3 đất để nâng cốt nền sân trường với diện tích trên 400m2 để tránh ngập lụt, lầy lội làm khu vui chơi thể thao cho học sinh sau giờ học.
Sau gần 1 tháng triển khai Đội Công binh Việt Nam đã huy động trên 700 ngày công của cán bộ, nhân viên; đã đào đắp, vận chuyển trên 3.000 m3 đất; nạo vét hơn 20 km kênh mương thoát nước.
Đến nay, nhiệm vụ chống ngập cho Thị trấn Abyei cơ bản đã hoàn thành, người dân đã thoát khỏi cảnh ngập lụt trong mùa mưa mỗi khi mùa mưa đến. Nhìn hệ thống kênh mương dọc, ngang, đường sá khô ráo phẳng lì chạy dọc theo tuyến đường trong khu dân cư, nhìn các em học sinh vui bước đến trường với những nụ cười rạng ngời, mỗi cán bộ, nhân viên Đội Công binh cũng cảm thấy vinh dự và tự hào.