pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đôi dép của ba
Ảnh minh họa
Trước khi mọi người đưa ba về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi thấy người ta mang những đôi dép của ba tôi đi đốt sau lời cầu kinh. Tôi nấc nghẹn thêm một lần nữa kể từ khi người ta chít lên đầu tôi vành khăn trắng. Những chiếc dép của ba tôi lần lượt rơi vào lửa, chiếc nào cũng bị cụt mỏ, chiếc nào cũng mòn gót, chiếc nào cũng lấm lem màu bùn.
Khi lớn lên, tôi vẫn nghe hàng xóm kể lại ngày trước ba tôi rất ham học. Lúc nào có người lại nhà chơi cũng thấy ba cầm quyển sách. Những năm chiến tranh, việc học ba tôi bị gián đoạn, lúc ấy bà tôi lại đang buồn đau vì chú tôi bị tai nạn mất đột ngột. Ba trở thành đứa con trai duy nhất trong nhà, lấy vợ để làm đẹp ý gia đình. Từ đó, ba giã từ những trang sách để bước chân xuống ruộng cấy cày.
Một ngày của ba có hơn phân nửa thời gian ở ngoài đồng. Mỗi sáng, mỗi chiều ba ra đồng đến khi nắng xế hoặc tối mịt mới về nhà. Có nhiều khi vào đến nhà, ba lặng lẽ tựa vào gốc cột ở hàng tư và thở dốc. Những giọt mồ hôi tràn ra ướt đẫm trên chiếc áo bị thời gian bào mòn giờ trông giống như tấm lưới mỏng. Nhà tôi không thiếu thốn lắm nhưng lần nào ăn cơm cùng các con, ba cũng ăn thật nhanh. Trái cây trong vườn hái vào, ba luôn dành phần cho các con ăn trước. Chỉ khi chiếc đĩa bị bỏ mặc trên bàn với chút xíu còn sót lại, ba mới đến nhận phần dẹp luôn chiếc đĩa. Dù vất vả vậy, nhưng tâm nguyện lớn nhất của ba là chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn.
Sau này anh em tôi vào đại học, ba phải làm việc nhiều và tiết kiệm hơn để có đủ tiền gửi lên Sài Gòn nuôi chúng tôi ăn học. Từ đó, tôi thấy ba không mua dép nữa, ba xài lại những đôi dép mà anh tôi chê và em tôi không thích đi nữa. Có lần mẹ sai tôi ra cửa hàng mua cho anh tôi một đôi dép có quai hậu, nhưng khi mua về anh chê đôi dép hơi quê và không chịu mang. Nhờ vậy, ba tôi có một đôi dép đi đám tiệc.
Lần ấy, cũng như bao lần khác, ba đưa tôi ra quốc lộ để đón xe vào thành phố học, nhưng mới đi được nửa đường xe Honda của ba giở chứng không chạy nữa. Đạp đi đạp lại mấy lần xe vẫn không nổ máy, ba bảo tôi: "Thôi con đi đi kẻo trời tối". Tôi đi và không quên quay đầu ngoái lại nhìn dáng ba gầy gò dẫn con ngựa sắt về nhà giữa cái nắng chiều hanh hao.
Không bao lâu sau đó, ba tôi mất đột ngột vì bị tai biến.
Ngồi giữa những tiếng kèn trống tiễn đưa, nhìn những chiếc dép từ từ hóa kiếp qua ngọn lửa để đi về với ba, cổ họng tôi nghẹn ngào, rát buốt. Những đôi dép cùng với ba luôn song hành bên chúng tôi mỗi khi chúng tôi cần có một sự chở che, an ủi. Những chiếc dép mòn lẳn đã làm bạn với ba, để ba đủ sức cõng hết những đứa con bước vào giảng đường đại học.
Ba tôi là vậy đó, cả đời mang đôi dép cũ để nhường cho các con những đôi giày đẹp.