Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà

Yến Oanh
24/09/2022 - 11:52
Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà

Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà.

Là một trong 74 huyện nghèo của cả nước và 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, song nhờ sự nỗ lực vươn lên và sự hỗ trợ từ cộng đồng, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại vùng núi Bắc Hà đã vượt qua bóng đen định kiến trong quá khứ để kiến tạo nên cuộc sống mới ấm no và hạnh phúc hơn.

Bắc Hà nổi tiếng với tên gọi "cao nguyên trắng" bởi nơi đây bốn mùa mây giăng trắng bay phủ khắp các non cao. Đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Bắc Hà đang nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa đặc sắc, biến di sản thành tài sản để phát triển kinh tế, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Thay đổi từ những người đi tiên phong

Cách con đường đất đi vào thôn đội 4 của xã Bản Liền, huyện Bắc Hà một con suối và khoảng 30 phút đi bộ qua những những cánh đồng lúa là ngôi nhà sàn của vợ chồng Vàng A Bình và Lâm Thị Hiếm. Khác với nhiều gia đình người Tày đang sinh sống trong thôn, từ gần một năm nay, nơi này đã trở thành điểm dừng chân yêu thích của một số đoàn khách du lịch, trong đó có cả khách nước ngoài.

Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 1.

Công việc đem lại nguồn thu chính cho gia đình anh Vàng A Bình đến từ việc trồng lúa, làm nương rẫy và hái chè.

Theo lời giới thiệu của chủ nhà Vàng A Bình, người dân tộc Tày, gia đình anh là một trong những hộ gia đình đầu tiên tại Bản Liền phát triển mô hình du lịch homestay. Trước đây, công việc đem lại nguồn thu chính đến từ việc trồng lúa, làm nương rẫy và hái chè.

Bình cho biết, người Bản Liền đang học cách làm du lịch nên chưa được du khách biết tới nhiều, nhưng việc phát triển thêm một sinh kế mới đã giúp cho nhiều hộ gia đình giống anh sửa sang được nhà cửa, xây được nhà vệ sinh mới và đặc biệt là "làm thay đổi nhận thức của nhiều con người", Bình nhấn mạnh.

Theo lời kể của Bình thì Hiếm, vợ anh, dù lớn hơn chồng 2 tuổi lại rất nhút nhát và ít nói. Giống như bao người phụ nữ khác tại Bản Liền, Hiếm thường trốn dưới bếp hoặc tìm cách tránh mặt mỗi khi có khách tới nhà. Cô rất ít khi dám bày tỏ ý kiến về các công việc trong gia đình, thường làm theo chỉ đạo từ người chồng nên người đưa ra quyết định trong gia đình bao giờ cũng là người đàn ông. Bởi vậy, khi Bình nói chuyện về việc làm homestay, không chỉ bố mẹ anh mà cả Hiếm đều tỏ thái độ chần chừ và nghi ngại.

Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 2.

Cuộc sống ấm no hơn nhờ những thay đổi từ trong nhận thức.

Nhưng hình ảnh đó đã không còn tái diễn trong gia đình Bình bởi chỉ sau gần một năm, Hiếm dường như đã trở thành một con người khác."Cô ấy không còn tìm cách tránh mặt mà chủ động cùng tôi đón khách. Cô ấy cười nhiều hơn, nói chuyện với người lạ nhiều hơn và còn có thể phục vụ khách chu đáo kể cả khi tôi không có nhà. Tôi thấy vợ tôi trở nên tự tin và linh hoạt hơn từ khi chúng tôi làm homestay", Bình chia sẻ.

Từ chỗ cùng chồng chia sẻ công việc, cùng làm đồng áng, cùng đón khách tới chơi nhà, Hiếm giờ còn tích cực tham gia các lớp tập huấn và các hoạt động giao lưu cùng hội chị em phụ nữ trong xã. "Bây giờ cô ấy còn đi đá bóng giao hữu với hội phụ nữ xóm bên. Tôi ủng hộ và tình nguyện làm việc nhà vài ngày để cô ấy tập trung thi đấu", chàng trai dân tộc Tày cho biết.

Mạnh dạn thay đổi để thoát nghèo

Những ngày này, khi cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường mới, được đón du khách là niềm vui của những "bà chủ" homestay như chị Vàng Thị Cân và chị Vàng Thị Thông (bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Họ luôn tay luôn chân đón khách, nấu nướng cho khách, hướng dẫn du khách hái chè, sao chè, lội suối bắt cá… Dù mệt nhưng nụ cười luôn nở trên môi những người phụ nữ dân tộc Tày này.

Chị Vàng Thị Cân đã biết biến những nét văn hóa bản địa đặc sắc thành tài sản để phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Trước đây, Bản Liền ít có du khách ghé thăm. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp với nghề chính là trồng lúa, chè, quế và chăn nuôi. Năm 2019, biết đến du lịch cộng đồng khi được tham gia dự án "Tăng cường kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà".

Bắt đầu từ con số 0, các gia đình trong bản bắt tay vào làm những công đoạn cơ bản nhất, như cải tạo nhà cửa, di dời chuồng trại ra xa nhà và từng bước học làm quen với cách đón khách, phục vụ khách. Họ đầu tư trồng lúa nếp nương, chăn nuôi lợn, gà, vịt đặc sản, trồng các loại rau theo mùa để phục vụ bữa ăn cho du khách khi đến nhà.

Mỗi mùa, du khách đến với bản đều được hướng dẫn những hoạt động khám phá, từ ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ đến trở về tuổi thơ bên ruộng lúa chín vàng hay cắm trại trên đỉnh đồi chè Shan tuyết, câu cá bên dòng suối nhỏ…

Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 4.

Các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách khi đến với bản Liền.

"Khi mới biết đến du lịch cộng đồng, nhiều người còn e dè không dám làm. Nhưng rồi chúng tôi được cán bộ đến tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các buổi truyền thông, giao lưu, tập huấn, qua các video, website hướng dẫn; được các chuyên gia tư vấn, đào tạo, dần những người phụ nữ trong bản đã tự tin giao tiếp, mạnh dạn tập trung làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi còn tích cực tham gia các công việc của thôn, xóm. Chị em phụ nữ làm du lịch cộng đồng còn dành thời gian tham dự các lớp học về kỹ năng đón tiếp khách, học tiếng Anh cơ bản, múa hát, nấu ăn, quảng bá về du lịch trên internet để có thể biến ngôi nhà của mình thành điểm du lịch cộng đồng và tăng thu nhập cho gia đình. Chúng tôi cũng được tham gia các chương trình truyền thông về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới của Hội LHPN và các tổ chức khác", chị Vàng Thị Cân (Nâng Cân homestay) cho biết.

Từ một nơi vắng vẻ, Bản Liền đã trở thành điểm thu hút nhiều du khách dừng chân nghỉ ngơi bên những nếp nhà sàn xinh xắn nằm giữa những đồi chè, tán cọ, cùng những người chủ nhà thân thiện, mến khách.

Đổi thay ở bản nghèo nơi cao nguyên trắng Bắc Hà - Ảnh 5.

Cuộc sống của người dân địa phương đang dần thay đổi.

Chị Lâm Thị Hiếm, chị Vàng Thị Cân, chị Vàng Thị Thông… đang trở thành những tấm gương điển hình cho hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số hiện đại tại huyện Bắc Hà nói riêng và nhiều tỉnh vùng cao trong nước nói chung.

Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn và tư vấn của các tổ chức trong nước, quốc tế tại Việt Nam cũng như sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, họ dám làm, dám thay đổi để có một cuộc sống tự do hơn về tinh thần, đoàn kết, thường xuyên học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau làm kinh tế và cùng phát triển.

Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Xã có 13 thôn với 491 hộ. Đa số hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí không cao nên khó tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất... Do đó, việc giảm nghèo gặp không ít khó khăn. phấn đấu "về đích" nông thôn mới trong năm 2022, xã Bản Liền đặt mục tiêu giảm 283 hộ nghèo.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm