pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi thay ở nơi từng là "vựa thuốc phiện"
Bản Mù là xã xa xôi và đông dân nhất của huyện Trạm Tấu. Đây là nơi sinh sống của bà con người Mông. Mùa nối mùa trôi qua, người Mông cần mẫn khai phá ruộng bậc thang, dẫn nước về đồng trồng cấy. Cách đây khoảng 30 năm, nơi đây còn là vựa thuốc phiện của vùng Tây Bắc. Bản trên, bản dưới trồng cây thuốc phiện thay thế cây lương thực.
Cuộc sống của bà con người Mông phụ thuộc vào việc khai thác nhựa cây thuốc phiện. Khi ấy bản trên, bản dưới có rất nhiều người nghiện. Chỉ đến khi nhà nước vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển sang trồng cây lương thực tình trạng nghiện ngập ở các bản Mông mới dần được giảm bớt.
Bản Mù đã không còn xa ngái
Đến thăm gia đình chị Phàng Thị Dâu ở bản Khấu Ly, xã Mù Cả đúng hôm vợ chồng chị đang dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết Mông. Đôi vợ chồng trẻ đã chuẩn bị cả trăm bó củi ở sau nhà. Chúng được xếp lại gòn gàng. Chị Dâu vừa làm vừa nói chuyện với chồng về việc nhiều hộ dân trong xóm trồng cây quế, cây khoai sọ ở trên nương.
Vợ chồng chị bàn nhau, năm tới sẽ bán một con trâu đi để mua giống quế về trồng. Gia đình chị Dâu thuộc diện hộ nghèo của bản. Nhưng trong năm vừa qua, vợ chồng chị đang nỗ lực làm kinh tế, đưa gia đình mình ra khỏi danh sách hộ nghèo của bản.
Ngoài cày cấy trên mấy nghìn mét vuông ruộng nước, gia đình chị Dâu còn nuôi gà, nuôi lợn và có tới 5 con trâu. Đàn trâu đang sinh sôi và phát triển tốt. Nhà chị lại nằm bên cạnh đường cái, nên việc đi lại dễ dàng hơn trước nhiều.
Vào phiên chợ huyện, chị chở khoai sọ về bán. Vụ thu hoạch khoai sọ năm nay, chị cũng bán được hơn chục triệu đồng. "Có tiền mình cho con cái học lấy cái chữ. Sửa được cái mái nhà. Cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều rồi", chị Dâu chia sẻ.
Con đường bê tông rộng 5m mở lên trung tâm xã Mù Cả đã mang lại sự đổi thay rất lớn đối với người Mông nơi đây. Đôi vai, đôi chân của bà con người Mông đã được giải phóng nhờ đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Chị em phụ nữ người Mông bao đời chỉ biết từ sáng đến tối ở trên nương, nay họ cũng đã thay đổi. Họ đi được xe máy, chở hàng nông sản giao lưu với các vùng.
Cả 7 bản của xã Bản Mù đều có đường bê tông. Theo chị Giàng Thị Máy, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Mù, đường giao thông mở tới xã, chị em phụ nữ đỡ vất vả rất nhiều. Ô tô tải vào tận bản, nên con lợn, con gà, củ khoai bán được giá hơn. Từ năm 2000 đến nay, nhiều hội viên cũng mạnh dạn vay vốn để nuôi trâu, nuôi bò. Không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Cách nhà chị Dâu không xa, gia đình chị Giàng Thị Dở đang tất bật chuyển đồ đạc về nhà mới. Tháng trước gia đình chị Dở còn ở trong núi. Nhờ sự giúp đỡ của bà con, vợ chồng chị đã dựng được ngôi nhà gỗ rộng rãi và vững chãi nằm ngay cạnh đường cái. So với các hộ dân trong bản Khấu Ly, gia đình chị Dở thuộc hộ khá của bản. Nhà chị đang nhận quản lý hơn 40ha rừng.
Dưới tán rừng, chị nuôi được 8 con trâu. Ngoài ra, vợ chồng chị trồng được 3ha quế và chè shan tuyết. Mỗi khi nhà có công to, việc lớn gì, chị chỉ cần bán đi một con trâu là có đủ tiền tiêu. Cái đói, cái nghèo đã bị đẩy lùi, vợ chồng chị chịu khó làm ăn, nên cuộc sống đã đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Đưa cây quế về trồng tại miền rừng
Hôm chúng tôi đến Bản Mù gặp đúng dịp chị em phụ nữ ở các bản Mù Cao, Mù Thấp và Khấu Ly đến trung tâm xã lấy giống quế về trồng. Nhà nào cũng lấy khoảng 1 vạn cây quế. Đây là sự lạ ở đất Bản Mù bởi lẽ, những năm trước đây, rừng nơi đây còn bạt ngàn.
Giờ bà con lại đi trồng rừng. Hóa ra cây quế đã bén đất này từ hơn chục năm trước. Một số cán bộ xã Bản Mù khi đi họp ở tỉnh đã lấy vài chục cây quế về trồng tại địa phương. Sau hơn chục năm, cây quế phát triển tốt. Một cây quế bán được 4 đến 6 triệu đồng, tương đương 1 tấn ngô. Cây quế mang lại hiệu quả, bà con có đất nương rộng đã mạnh dạn đầu tư vốn đưa cây quế về trồng.
Theo thống kê của UBND xã Bản Mù, đến nay toàn xã đã trồng được trên 100ha quế. Hầu hết các hộ trồng là bà con người Mông. Họ tận dụng mảnh nương ở trên cao, khó trồng cây lương thực thì chuyển sang trồng quế. Cây quế lại đang phủ xanh vùng đất trống, đồi trọc.
Ông Giàng A Trang, Chủ tịch UBND xã Bản Mù, cũng là hộ dân đầu tiên của xã trồng quế. Đến nay, ông Trang đã trồng được 3 vạn cây quế. Trong năm tới, diện tích trồng quế có thể lên đến vài trăm ha. Bà con người Mông đã gieo xuống đất những mầm xanh của hy vọng. Chỉ vài năm nữa thôi, cây quế cho thu hoạch, cái đói, cái nghèo ở Bản Mù cũng theo đó mà giảm dần.
Cũng theo ông Trang, điện, đường, trường, trạm ở Bản Mù đã được hoàn thiện. Xã Bản Mù còn thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hơn 1.000 em học sinh trong xã được đến trường đầy đủ.
Đặc biệt, thông qua các tổ chức, đoàn thể, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em nữ được đến trường, cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.