pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng hành cùng các cấp hội phụ nữ khởi nghiệp
Đồng hành cùng các cấp hội phụ nữ khởi nghiệp. Ảnh minh họa
99,56% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tương đương với 220.545 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8% trong 5 năm qua. Nợ quá hạn giảm từ 0,38% năm 2014, đến 31/8/2020 còn 0,25%... Những con số này đã nói lên hiệu ứng của phương thức truyền tải tín dụng chính sách xã hội đặc thù và riêng có ở Việt Nam.
Đặc biệt, với Hội LHPN Việt Nam, việc quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn và hỗ trợ các hộ vay vốn có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy sản xuất nâng cao hiệu quả vay vốn đã đưa kết quả ủy thác cho vay vốn chính sách của hội với 6 chữ nhất: Có số dư nợ cao nhất, nợ quá hạn thấp nhất, số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất, số thành viên nhiều nhất, số Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt nhiều nhất và thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất.
Đồng hành hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Cùng với việc nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hội còn tập trung các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo: Hội xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, từ công tác tuyên truyền, hoạt động truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.
Thông qua việc thực hiện Đề án, nhiều tỉnh hội đã xây dựng Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đề nghị NHCSXH tỉnh, thành quản lý. Hội LHPN các tỉnh, thành có trách nhiệm lựa chọn đối tượng, theo dõi, giám sát, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Tính đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ thành lập trên 500 hợp tác xã; hỗ trợ, tư vấn cho trên 38 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; trên 13 nghìn phụ nữ có ý tưởng được vay với số vốn là hơn 237 tỷ đồng. Trên 25 nghìn doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối vay với số vốn hơn 148 tỷ đồng.
Để giúp phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, Hội LHPN phối hợp với các bên liên quan tiến hành tư vấn cho phụ nữ lựa chọn ngành nghề lao động, kinh doanh phù hợp. Hội cũng kết hợp tập huấn, hướng dẫn quản lý sử dụng nguồn vốn cho hàng triệu lượt hội viên, phụ nữ, đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 8 triệu lượt hội viên, phụ nữ. Thông qua các chương trình này, chị em biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ...
Nâng cao chất lượng tín dụng
Những việc làm hữu ích đã tạo lên bức tranh đầy màu sắc về một phương thức truyền tải tín dụng chính sách tín dụng đặc thù riêng có ở Việt Nam ủy thác cho vay qua Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đến 31/8/2020, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,8%, Hội Nông dân chiếm 30,6%, Hội Cựu Chiến binh chiếm 16,7%, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chiếm 13,9%.
Chất lượng hoạt động của 4 tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Tỷ lệ thu lãi tăng dần từ 88,3% những ngày đầu thực hiện lên đạt 98% năm 2014, từ năm 2015 đến nay thường xuyên đạt gần 99%.
Kết quả đạt được từ hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định là một kênh dẫn vốn hiệu quả, phù hợp với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và sự phát triển NHCSXH.
Với các tổ chức chính trị - xã hội, bên cạnh việc có thêm chi phí hoạt động hội, hoạt động tín dụng chính sách còn giúp thu hút thành viên và có những phương thức hỗ trợ thiết thực trực tiếp đến hội viên hơn.
Nhận định hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào sự phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững của tín dụng chính sách xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. NHCSXH đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tham gia hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt từ 95% trở lên. Dư nợ ủy thác tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ ủy thác. Tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 97%.
Để làm được điều này, NHCSXH và 4 tổ chức chính trị - xã hội sẽ nghiên cứu, rà soát và tổ chức ký kết lại Văn bản thỏa thuận về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với giai đoạn mới. Trong đó, đảm bảo việc thực hiện của các tổ chức chính trị - xã hội trong thời kỳ mới gắn với hoạt động của chính quyền, nhất là ở cấp thôn. Cụ thể, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với Trưởng thôn thực hiện công tác kiểm tra 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh mức phí ủy thác trả cho các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với quy định về mức phí được Chính phủ giao.