"Đồng phục thể chế" đang khiến các trường đại học gặp khó

PV
05/11/2023 - 20:33
"Đồng phục thể chế" đang khiến các trường đại học gặp khó

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội thảo

Cần lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát xem cái gì chồng chéo, cản trở thì sửa một lượt để tạo điều kiện cho sự phát triển đại học.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong Hội thảo Giáo dục 2023 "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học" diễn ra chiều nay (5/11) tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục đại học nói chung, góp phần đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học. Quy mô giáo dục đại học của nước ta có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tri thức. Kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp. Chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thu hút được nhiều thành phần xã hội tham gia. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, nhất là về năng lực đổi mới sáng tạo. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học chưa được hoàn thiện.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần làm rõ những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách, đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm: chính sách nâng cao chất lượng chuyên môn học thuật; đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học; chính sách về nguồn lực đầu tư; chính sách về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; chính sách xã hội hóa giáo dục đại học; về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và giáo dục đại học gắn với việc làm sau khi ra trường.

“Giáo dục đại học là trước hết là một dịch vụ công đặc biệt, vì người học cũng như Nhà nước, là những khách hàng sử dụng dịch vụ; nhưng lợi ích nhận được có độ trễ, có tính lâu dài, bền vững và gia tăng theo thời gian. Cho nên khách hàng đồng thời là những nhà đầu tư.

Đầu tư cho giáo dục nói chung và cho giáo dục đại học nói riêng là đầu tư cho phát triển, có hiệu quả đầu tư cao, tỉ suất thu hồi lớn. Cả người học/gia đình và Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải đầu tư “đủ tầm” cho giáo dục đại học, cho các cơ sở giáo dục đại học”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Những nguyên nhân dẫn tới hạn chế về chất lượng giáo dục đại học, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đó là: Cơ chế đánh giá cũng như giám sát chất lượng chưa thực sự hiệu quả, thực chất; Hành lang pháp lý của tự chủ đại học chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo sức bật mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy hết nội lực; Năng lực quản trị của một số cơ sở giáo dục đại học còn yếu; Hệ thống giáo dục đại học còn phân mảnh, chưa được tối ưu hóa, Một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng; Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn rất thấp so với yêu cầu phát triển…

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, cần có những chính sách và rà soát chính sách về đánh giá, giám sát chất lượng; cần giải pháp để tối ưu hóa ở cả cấp độ hệ thống cũng như trong từng cơ sở giáo dục đại học; cần cơ chế chính sách để huy động tối đa và phát triển các nguồn lực về tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất, công nghệ, quan hệ hợp tác của nhà trường và của hệ thống tối giáo dục đại học với bên ngoài, với thế giới; có cơ chế chính sách phân bổ và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực từ Nhà nước, đặc biệt là ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học…

Cần sự đột phá về mặt thể chế để mở đường cho tự chủ Đại học - Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia Hội thảo do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý về những nhân tố tác động đến chất lượng, quản lý chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và khuyến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Ông Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng vấn đề tự chủ của các trường đại học hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. So với 10 năm trước đây, các trường đại học đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đang vướng rất nhiều về cơ chế, chính sách bất cập. "Nhất là với 2 ĐHQG hiện nay đang có cơ chế quản lý, hoạt động không khác gì trường đại học nhỏ khác. "Đồng phục thể chế" đang khiến các trường gặp khó và không phát huy hết năng lực", ông nói.

Ông Quân cũng nhắc đến vai trò quan trọng của hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ đại học. "Ví dụ như với ĐHQG Hà Nội hiện nay, để tìm được một hiệu trưởng giỏi rất khó khăn. Trong 2 - 3 năm qua, vài ba đồng chí đã xin thôi hiệu trưởng để chuyển sang công tác khác. Thế mới thấy, đây là công việc rất nhiều áp lực và thử thách về mặt quản trị".

Theo ông, để các trường có nguồn lực đầu tư đủ lớn, Nhà nước cũng cần xem xét đầu tư trực tiếp cho các trường đại học thông qua đấu thầu cạnh tranh. Các trường được đầu tư phải thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao cả về đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với hệ thống giáo dục công, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến.

Cần sự đột phá về mặt thể chế để mở đường cho tự chủ Đại học - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh, vấn đề tự chủ đại học chính là câu chuyện đổi mới giáo dục. "Tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học. Cần phải tính đến làm một luật để sửa nhiều luật nhằm tránh chồng chéo. Nếu có thể, chúng ta đề xuất lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát xem cái gì là chồng chéo, cản trở thì sửa một lượt để tạo điều kiện cho sự phát triển đại học. Cần có sự đột phá về thể chế để mở đường cho giáo dục đại học".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm