pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ bằng cây mọc dại
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Nga, thành viên của tổ liên kết đan lục bình xã Phú Đức (huyện Tam Nông, Đồng Tháp)
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Nga là thành viên ưu tú của tổ liên kết đan lục bình xã Phú Đức. Chị là một trong những người đầu tiên đưa nghề đan lục bình về địa phương. Hiện nay, chị đứng ra làm đầu mối hợp đồng giao nhận hàng cùng với các công ty, tìm kiếm nguồn hàng cho chị em.
"Trước đây, mỗi dịp nông nhàn, không có việc làm, nhiều người phải bỏ xứ lên TPHCM, Bình Dương làm công nhân cho các khu công nghiệp. Từ lúc có nghề đan lục bình, một số chị đã tham gia học đan và nhận về nhà làm thêm. Cuộc sống vì thế cũng được cải thiện. Nghề đan lục bình thu nhập không cao nhưng đều đặn. Thợ lành nghề thu nhập 150 nghìn - 180 nghìn đồng/ngày. Nhiều chị em còn nuôi trồng cây lục bình gần mé sông để bán nguyên liệu. Có thời điểm lục bình được giá, nhiều vợ chồng đi thu về phơi và bán có khi lời đến 1 triệu đồng/ngày. Nếu không đan thì lục bình thành cây dại, mọc hoang. Nhưng từ khi đan thành sản phẩm mỹ nghệ thì rất được giá", chị Nga chia sẻ.
Với những người thợ đan lục bình, đây là công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì, chịu khó. Chị Nga cho biết, những sản phẩm từ lục bình chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của các công ty ở tỉnh Bình Dương, TPHCM. Các công ty này gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, người đan làm theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty. Ngoài ra, các cơ sở còn chủ động nghiên cứu các mẫu mới để giới thiệu sản phẩm với công ty rồi hợp đồng làm. Các sản phẩm thủ công được các cơ sở làm như: Sọt, thảm, giỏ, hộp, đồ trang trí nội thất...
Từ những người làm đơn lẻ ban đầu giống như chị Nga, năm 2018, tổ liên kết Đan lục bình xã Phú Đức được thành lập với 30 thành viên. Tổ bầu ra Ban quản lý để tổ chức và điều hành hoạt động của tổ. Các thành viên trong tổ thực hiện theo quy chế đề ra, hàng quý sinh hoạt ít nhất 1 lần, cần thiết thì họp bất thường để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của chị em trong tổ.
Mục đích của tổ liên kết đan lục bình là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, giúp phụ nữ nghèo có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và thu hút chị em tham gia hoạt động Hội. Đến nay, tổ liên kết tham mưu với Hội LHPN xã mở 8 lớp dạy nghề đan lục bình với 240 học viên tham gia. Mô hình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 250 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của các thành viên mỗi tháng từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, tổ còn phối hợp mở lớp dạy nghề ở các địa phương khác.
Chị Nguyễn Thùy Linh (trú tại ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp), thành viên tổ liên kết đan lục bình, cho biết: Chị có 3 người con, con nhỏ mới được 21 tháng tuổi. Nhờ nghề đan lục bình mà chị vừa có thời gian chăm con vừa có nguồn thu nhập thêm. "Công việc này tôi có thể mang về nhà. Nếu lục bình nhà tự đan thì tiền lời 250 nghìn đồng/ngày. Nếu mình nhận nguyên liệu về đan thì được 150 nghìn đồng/ngày. Mẫu mã, kiểu dáng phải tùy từng đơn hàng. Mình đến chỗ chị tổ trưởng để học. Kỹ thuật đan lục bình cũng đơn giản, giờ làm lại linh hoạt nên tôi có thể tranh thủ đan bất cứ lúc nào. Có nghề đan, tôi không phải đi Bình Dương, TPHCM làm công nhân xa nhà".
* Chị Dương Thị Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đức: Trước đây, lục bình được xem là cây mọc dại, trôi trên sông cản trở lưu thông. Giờ đây, phụ nữ xã Phú Đức đã tận dụng loại cây này, biến chúng thành những sản phẩm có giá trị về kinh tế, thân thiện với môi trường.