Dự báo người hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao các năm tới

HH
17/08/2021 - 18:16
Dự báo người hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao các năm tới

Hoạt động tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH. Ảnh BHXH

Theo thống kê, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 6,65% so với năm 2019. Trước tác động của đại dịch Covid-19, dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2 (ngày 17/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. 

Thẩm tra nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết: Về tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 6,65% so với năm 2019.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, số người hưởng BHXH một lần có tốc độ tăng hơn so với năm trước, nhưng vẫn chỉ dao động ở mức khoảng 5% trong các năm qua. Tuy nhiên, mức tăng này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Đặc biệt, với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập của người lao động khó khăn như hiện nay, "dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo", bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, vẫn còn nhiều vướng mắc tuy nhiên chưa có giải pháp cụ thể, mang tính căn cơ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng bày tỏ lo ngại tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đang có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đại dịch đang tác động sâu sắc tới đời sống người lao động, việc rút BHXH 1 lần chỉ giải quyết được nhu cầu tài chính trước mắt, trong ngắn hạn. Về lâu dài, người lao động sẽ phải đối diện với tình trạng bất ổn, không có điểm tựa an sinh khi về già khi không còn sức lao động. Theo đó, ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần có nghiên cứu, đánh giá và nêu rõ quan điểm để có biện pháp với tình trạng rút BHXH 1 lần đang gia tăng hiện nay.

Dự báo người hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao các năm tới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh quochoi.vn

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện bảo hiểm xã hiểm đã có sự phối hợp triển khai thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, đặc biệt là những cố gắng trong việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia, phục vụ đối tượng thụ hưởng và các chế độ bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Mẫn, vẫn còn tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục như: Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội nhất là đối tượng bắt buộc; Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần;  Vấn đề nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội và thu hồi; Việc triển khai thu chi và cân đối Quỹ nhất là đối với vấn đề cân đối bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội cần bổ sung số liệu cho cụ thể, chính xác…

Để khắc phục những tồn tại hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương, rà soát tiếp thu những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu, cơ quan chủ trì thẩm tra nêu để hoàn thiện báo cáo. Trong đó, nội dung phải đầy đủ theo yêu cầu; các thông tin, dữ liệu phải có tính chất nhất quán, có phân tích đánh giá với các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo thống nhất giữa các cơ quan và khách quan, chính xác.

Về tình hình nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội phải nghiên cứu rà soát có đánh giá đầy đủ, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan nhất là đối với các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp phù hợp giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; Về việc thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh và đổi mới phương thức hơn nữa không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; ….

Dự kiến, Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 sẽ được báo cáo trước Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 (vào tháng 10/2021)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm