Dù có sạt nghiệp vì cam cũng không ân hận

31/05/2019 - 14:37
Nguyễn Thị Lê Na - cô gái sáng lập thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến - luôn xác định như vậy khi từ bỏ công việc ổn định, về quê khởi nghiệp bằng sản phẩm cam Vinh, giúp người nông dân không còn phải lau nước mắt, đổ đống cam hoặc bán với giá rẻ mạt.
Sinh năm 1986 ở Nghệ An, cô gái này đã chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân trồng cam. Đó là khi thương lái ép giá, hoặc khi cam đổ đống chờ ngày thối hỏng mà không có người mua. Trong khi người trồng cam khóc ròng thì ngoài thị trường, người tiêu dùng vẫn mua phải cam kém chất lượng với giá cao.
 
Vậy nên, Na đã quyết tâm nghỉ việc tại công ty để về quê học trồng cam. Khi nhận được câu hỏi của bạn bè, người thân, có ân hận với quyết định “khác người” đó không, Lê Na chỉ cười: “Dù có sạt nghiệp vì cam, tôi cũng không ân hận”.
 
 
le-na.jpg
Nguyễn Thị Lê Na bên những trái cam tươi ngon

 

Nguyễn Thị Lê Na nhanh chóng thành lập Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ tại quê hương Nghệ An và bắt đầu học cách trồng cam. Từ chỗ không hiểu gì về cam, không biết bón phân gì, tưới cây thế nào, Lê Na tìm tài liệu, sách báo qua mạng. Để tạo ra sự khác biệt khi thương hiệu cam Vinh đã quá nổi tiếng trong vùng, Lê Na thử nghiệm trồng cam sạch theo kiểu Úc.
 
Khi thử nghiệm thành công giống cam 28 tháng thu hoạch (sớm hơn cam Vinh 5 tháng), cô tiếp tục lấn sân, bắt tay vào tạo dựng thương hiệu cam Kỳ Yến của mình. Lê Na làm cam sạch theo chuẩn VietGap, không phun hoá chất, thân thiện với môi trường.
 
 
le-na-1.jpg
Lê Na đã thay đổi cách làm cam truyền thống, người nông dân ở thế bị động, phụ thuộc thương lái

 

Với phương châm “vừa làm vừa học hỏi, sai đâu sửa đó”, Lê Na tích lũy dần những bài học từ phản hồi của khách hàng, và dần dần, khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
 
"Nếu chỉ đứng đó và than vãn thì thành công không bao giờ đến"
 
Kể về kinh nghiệm phát triển thị trường, Lê Na chia sẻ, để ổn định đầu ra, thì doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thị trường. Có như vậy mới giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm; thực hiện theo chuỗi giá trị và chuỗi liên kết với người nông dân, nhà đại lý, người tiêu dùng. Để làm được điều đó, Lê Na chủ động liên kết với các nhà nông trong vùng, chuyển giao, quản lý và hướng dẫn họ trồng cam sạch theo tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
 
Song song với việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm, Lê Na cũng rất chú trọng đến việc phát triển thương hiệu, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm qua truyền thông mạng xã hội, chủ động nắm bắt đối tượng hợp tác để có nguồn tiêu thụ và dự kiến số lượng sản phẩm cần cung ứng, sau đó tập trung vào sản xuất.
 
Từ cách làm truyền thống, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, giờ đây, sản phẩm cam Vinh đã có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
 
 
le-na-2.jpg
Lê Na đang thực hiện trồng cam sinh thái, thân thiện với môi trường

 

Thương hiệu Cam Kỳ Yến xứ Nghệ của Nguyễn Thị Lê Na đã được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Ngoài sản phẩm chủ đạo là trái cam tươi, Lê Na còn chủ động phát triển dòng sản phẩm chế biến từ cam như tinh dầu, mứt... để xuất khẩu. Đồng thời, Lê Na cũng đang thực hiện trồng cam sinh thái, thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất trong canh tác. 
 
Chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp cùng các bạn trẻ, Lê Na nhắn nhủ: “Nếu chỉ đứng đó và than thì thành công sẽ không bao giờ đến với bạn. Cứ đi thì sẽ có đường”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm