Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, đến tháng 11/2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,56 triệu người; trong đó, BHXH bắt buộc 14,31 triệu người. Riêng BHXH tự nguyện đạt 254 nghìn người (đạt 76,6% kế hoạch năm). Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 triệu lao động khu vực phi chính thức. Trong khi đó người tham gia BHXH tự nguyện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối mạng lưới M.net, cho biết: Những năm gần đây, chính sách BHYT khá là mở dành cho người lao động di cư. Có những quy định giúp họ tiếp cận chính sách an sinh này dễ dàng, thuận tiện hơn, như việc mua BHYT, hoặc chuyển địa điểm khám chữa bệnh BHYT ban đầu.
Tuy nhiên, với hàng chục triệu lao động khu vực phi chính thức như người giúp việc gia đình, công nhân, người bán hàng rong…, đặc biệt là những lao động di cư thường xuyên làm việc trong điều kiện không đảm bảo thì họ rất cần các chế độ thụ hưởng BHXH là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động. Thế nhưng BHXH tự nguyện lại không có các chế độ này giống như BHXH bắt buộc. Vì lý do này, nhiều năm qua BHXH tự nguyện kém hẫp dẫn lao động di cư tham gia.
Cạnh đó, phần lớn người lao động di cư đã có tuổi, nên quy định về thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hiện nay kéo dài, kiến loại hình này chưa thu hút được họ. Tỷ lệ đóng hiện nay vẫn cao so với thu nhập chung của người lao động di cư.
Tại Chương trình Giao lưu trực tuyến do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Mỗi năm, có 800 nghìn người tham gia vào hệ thống BHXH. Tuy nhiên, để phát triển đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, giải pháp đầu tiên là phải giữ những người đã tham gia, hạn chế số người nhận BHXH một lần. Đặc biệt cần phải có giải pháp tại khu vực không chính thức.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, quy định của Luật BHXH, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo 30% số đóng, cận nghèo 25% và 10% cho hộ khác. Muốn đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc độ bao phủ BHXH thì Nhà nước cần hỗ trợ mức cao hơn, hấp dẫn hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước BHXH Việt Nam cần nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để nâng mức hưởng thụ của người dân tham gia BHXH tự nguyện, bên cạnh hai chính sách: Hưu trí và tiền tuất, nâng thêm về chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp... nhằm tạo ra độ hấp dẫn hơn với chính sách BHXH.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho biết, Trong thời gian tới sẽ có những hình thức để người lao động tham gia BHXH tự nguyện linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mức đóng, phương thức đóng. Chính vì thế, trong Nghị quyết 28 của Trung ương đã có điều chỉnh rất rõ là nghiên cứu, thiết kế các gói BHXH ngắn hạn, linh hoạt cho khu vực phi chính thức. Với chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125 (ngày 8/10/2018) ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28, giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề án này và báo cáo Chính phủ trong năm 2019.
Đến nay, BHXH đang rất tích cực triển khai, nghiên cứu chính sách nhằm đảm bảo phù hợp hơn cho người lao động ở khu vực phi chính thức. Ngoài chính sách hưu trí, tử tuất, người lao động khu vực phi chính thức có thể tham gia đầy đủ các chế độ khác. Đây là động lực thôi thúc người lao động tích cực tham gia BHXH tự nguyện.