Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Rà soát, bổ sung chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe người lao động

PV
24/10/2022 - 09:26
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Rà soát, bổ sung chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe người lao động

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về ý kiến dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết: Việc xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nói chung và dành cho người cao tuổi nói riêng cũng cần thực hiện theo quy hoạch mạng lưới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó, việc lồng ghép các yếu tố dân số, yếu tố già hóa dân số vào quy hoạch là yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật về dân số và quy hoạch. Điểm b khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho việc khám bệnh, chữa bệnh người cao tuổi. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế. Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, Điều 4 khẳng định Nhà nước có chính sách đãi ngộ đặc biệt với người hành nghề, Điều 104 dự thảo Luật quy định về chính sách học bổng, miễn phí đào tạo, bồi dưỡng một số chuyên ngành y tế, người hành nghề. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ các nội dung về cải cách chính sách tiền lương, trong đó bao gồm cả các cán bộ, y, bác sĩ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Điều hành nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là dự án luật quan trọng, được nhiều cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Tại phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Rà soát, bổ sung chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ người lao động - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Dự án Luật hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh; các quy định về chuyên môn, kỹ thuật; định hình hệ thống y tế; mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; việc xã hội hóa; cơ chế tự chủ tài chính, hợp tác công tư... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm đã nêu trong báo cáo cùng các nội dung khác đại biểu quan tâm.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm