pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT
Tạo điều kiện cho cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT. Ảnh minh hoạ BHXH
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Thời gian qua, hai ngành BHXH và Y tế đã có sự phối hợp chặt chẽ với mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi tối đa chăm sóc sức khỏe người dân; tuy nhiên thực tế đã có những khó khăn vướng mắc liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT đang được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trao đổi, tháo gỡ. "Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT để tạo điều kiện tốt cho các cơ sở KCB tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT; mặt khác phải tối ưu hóa nguồn quỹ BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn nữa...", Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, về cơ bản, hai ngành đã đạt được sự đồng thuận, phối hợp chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vướng mắc phát sinh mà trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Y tế cũng như BHXH Việt Nam chưa thể bao phủ hết. Đặc biệt, trong gian đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp vừa qua, nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, những vấn đề phát sinh trong KCB BHYT chưa từng có tiền lệ nên chưa thể giải quyết dứt điểm.
Thảo luận tại hội nghị, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viên Đại học Y Hà Nội, đề cập đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chủ yếu vướng mắc đến từ sự bất cập của văn bản pháp luật. Cụ thể, vướng mắc từ Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ví dụ như hiện nay, BV Bạch Mai vẫn đang phải gửi bệnh nhân sang BV Đại học Y Hà Nội để đặt stent, bởi dù đã đấu thầu thành công nhưng nhà cung ứng không đủ VTYT cung cấp. Theo quy định hiện nay, chúng ta đang chọn thầu theo giá thấp nhất, do đó có thể có công ty trúng thầu ở nhiều cơ sở y tế nhưng khả năng cung ứng của họ rất kém...
Phản ánh khó khăn của địa phương thường rơi vào tình trạng "vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT", ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, đặc thù của Nghệ An là địa bàn rộng, dân số lớn, nhưng mức đóng của phần lớn người dân lại thấp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên thường gặp khó khăn từ quy định khoán chi phí KCB BHYT. Ông Chỉnh cũng chia sẻ khó khăn từ thực tế chưa tính đúng, tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nhưng lại yêu cầu các cơ sở y tế phải tự chủ. Hiện nay hầu như các bệnh viện trên địa bàn Nghệ An đều đã thực hiện tự chủ. Đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm sức ép lên các cơ sở y tế.
Từ năm 2020, BHXH Việt Nam đưa ứng dụng VssID lên điện thoại thông minh, người tham gia BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ trên ứng dụng này để KCB.
Việc này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người bệnh BHYT, rút ngắn thời gian tiếp nhận bệnh nhân của cơ sở KCB. Chất lượng dữ liệu cũng được nâng lên, khắc phục được tình trạng gửi lại, thay thế dữ liệu; tỷ lệ liên thông toàn quốc bình quân đạt 92,28%; tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày là 93,15%.
Trao đổi tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết: Thời gian qua, cơ quan BHXH đã chủ động tăng cường phối hợp với các cơ sở KCB để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đúng tiến độ, quy định của luật pháp. "Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã cơ bản được giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB. Cơ quan BHXH không nợ chi phí KCB của các cơ sở KCB, các chi phí tồn đọng là do chưa đủ căn cứ đưa vào quyết toán theo quy định".
Đến thời điểm này, tổng chi phí KCB BHYT vượt trần thanh toán, vượt dự toán, hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyêt toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh thành phố, 320 cơ sở KCB) là 1.601 tỷ đồng. Các chi phí này đang được BHXH Việt Nam phân tích hồ sơ, phân loại để xác định các chi phí đủ điều kiện thanh toán, tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý xem xét cho phép đưa vào quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2021.
Ông Phúc cũng chỉ rõ một số khó khăn vướng mắc thuộc về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, Chính phủ. Một số chi phí thuốc, vật tư y tế chưa được thanh toán cho các bệnh viện như: xác định tính hợp pháp của việc mua sắm thuốc theo hình thức chỉ định thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; mua sắm VTYT theo hình thức chỉ định thầu rút gọn tại Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế tại Hải Phòng...
Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn quyết toán chi phí KCB năm 2021, trong khi năm 2021 đã phát sinh một số vấn đề mới mang tính đặc thù, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến hoạt động kinh kinh tế, xã hội nói chung trong đó có hoạt động khám, chữa bệnh. Số lượt người bệnh đến KCB giảm, chủ yếu là các trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính, không thể trì hoãn việc KCB. Tại nhiều cơ sở KCB, chi phí KCB BHYT sau giám định cao hơn rất nhiều so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán (có cơ sở KCB chênh đến 15%- 20%)…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Về nhóm khó khăn vướng mắc không phải xuất phát từ cơ chế chính sách, mà do phát sinh trong triển khai phối hợp thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ sớm giải quyết. BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành Y tế làm rõ vướng mắc, cùng nhau xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, đảm bảo đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài. Tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh để thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.