pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo dù trong những điều kiện khó khăn nhất
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai tại Hà Tĩnh đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hương Giang
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/10/2002 (Nghị định 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi có nghị định, Tỉnh ủy đã có các văn bản chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị 38, Công văn 490, công văn 7380 của UBND tỉnh nhằm thể hiện tính kịp thời lãnh đạo cụ thể hóa nghị định, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các thành viên Ban đại diện đã phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm, để đưa nội dung của nghị định vào cuộc sống. Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và hệ thống Ngân hàng CSXH nói chung đã thực hiện tốt trách nhiệm là đơn vị - thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn - đưa tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo dù trong những điều kiện khó khăn nhất.
Phát huy hiệu quả 17 chương trình tín dụng
Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cả hệ thống chính trị cùng tham gia, xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh đạt hơn 5.634 tỷ đồng, tăng 23,7 lần so với năm 2003, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng dư nợ đến 31/7/2022 là hơn 5.584 tỷ đồng (tăng 30,2 lần so với khi mới thành lập) với 103.205 khách hàng còn dư nợ.
Từ 2 chương trình tín dụng cho vay thời điểm mới thành lập, đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay trong 20 năm đạt hơn 18.000 tỷ đồng với gần 794 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 52 tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, 733 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và 3.118 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia ủy thác, cùng phối hợp hiệu quả với Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho gần 115 nghìn lao động; hàng nghìn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 45 nghìn hộ cải thiện đời sống; gần 47 nghìn hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; 2.473 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trên 127 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 200 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 nghìn nhà ở cho hộ nghèo, 802 nhà chòi hộ nghèo tránh lũ; khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về vai trò trong chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội; đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, xử lý nợ quá hạn; tính hiệu quả, nhân văn của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Cùng đó, đề xuất các giải pháp thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến năm 2030, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu nguồn vốn, dư nợ tăng trưởng bình quân từ 8 - 10%/năm; đến năm 2025 dư nợ đạt trên 8.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 80%; tỷ lệ thu lãi đạt trên 98% lãi phải thu; trên 90% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá; 100% tổ thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm; tổ chức tốt việc giao dịch xã, tỷ lệ giải ngân, thu nợ đạt trên 90%.