pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đức nỗ lực gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong quân đội
Nội các của Thủ tướng Olaf Scholz đã thông qua một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong quân đội Đức. Ảnh: dpa/B.von Jutrczenka
Nội các của Thủ tướng Olaf Scholz vừa thông qua một loạt các biện pháp nhằm cải cách các chính sách trong quân đội Đức, từ đó tăng cường cơ hội bình đẳng trong quân đội nói riêng và rộng hơn, là trong chính phủ nước này. Đức hiện cần bổ sung thêm nhiều người vào lực lượng vũ trang để tăng cường sức mạnh quân sự.
Steffen Hebestreit, người phát ngôn của chính phủ, nói với các phóng viên: "Phụ nữ vẫn chưa được hiện diện đầy đủ trong quân đội Đức."
Sự hiện diện ở đây, theo định nghĩa của chính phủ Đức, là khi tỷ lệ phụ nữ vượt qua mức 20%. Các quan chức quốc phòng Đức muốn phụ nữ chiếm ít nhất một nửa lực lượng y tế. Tuy nhiên, thông tin từ chính phủ nước này cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 9.5% quân số cả nước, và trong lực lượng quân y, con số này là 45%.
Chính phủ Đức cho biết, việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào quân đội là một trong những nỗ lực nhằm hướng tới Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững, trong đó, "trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái" là một trong những trụ cột của chương trình nghị sự.
Thúc đẩy nữ giới nhập ngũ
Các cải cách tập trung chủ yếu vào tiền lương và cải thiện dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người già và người bệnh trong gia đình.
Nếu thu nhập và các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn, phụ nữ sẽ bớt được khoảng thời gian nội trợ không được trả lương mà họ vẫn thường gánh vác. Động thái mới của chính phủ Đức được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội hay động cơ khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, bao gồm làm việc cho quân đội.
Quân đội vẫn là 'thế giới của đàn ông'
Khi quân đội Tây Đức được thành lập vào năm 1955, phụ nữ bị cấm tham gia. Lệnh cấm này được gỡ bỏ năm 1975, nhưng chỉ áp dụng đối với lực lược quân y. Đến năm 2001, Đức chính thức hủy bỏ tất cả các hạn chế với nữ giới trong quân đội, thì quân y vẫn là khu vực có sự hiện diện của phụ nữ nhiều nhất.
Đức không phải quốc gia duy nhất có vấn đề về phụ nữ trong quân đội. Ở hầu hết các quốc gia, bao gồm các nước đồng minh thân cận nhất của Đức, quân đội "vẫn là thế giới của đàn ông", theo báo cáo của Quốc hội Anh năm 2021.
Vào thời điểm đó, phụ nữ chiếm 11% lực lượng chính quy của Vương quốc Anh. Đó là mức cao nhất mọi thời đại, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu ban đầu là 15%.
Tại Hoa Kỳ, nơi việc loại bỏ phân biệt đối xử trong quân đội là một cuộc đấu tranh lâu năm, chỉ có hơn 17% quân nhân tại ngũ là phụ nữ, theo số liệu năm 2021.
Cạnh tranh trên thị trường lao động
Bộ Quốc phòng Đức đã công bố mục tiêu bổ sung khoản 20.000 quân cho đến năm 2031. Đây được coi là một thách thức đối với các cơ quan chính phủ Đức nói chung, khi phải cạnh tranh với khu vực tư nhân trong bối cảnh dân số già hóa và thiếu hụt lực lượng lao động. Đặc biệt, quân đội có thêm gánh nặng cần phải thu hút những người trẻ tuổi, điều đó có nghĩa là cần đáp ứng "những kỳ vọng của Thế hệ Z', những người muốn sự linh hoạt cao trong công việc. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó thường mâu thuẫn với nếp sống quân đội. Do đó, việc áp dụng nghiêm ngặt các chính sách về cơ hội bình đẳng là một phần chiến lược nhằm thu hút người nhập ngũ.
Một thách thức khác mà quân đội nước này cũng đang phải đối mặt, đó là an toàn tại nơi làm việc, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong giai đoạn 2018-2020, đã có gần 850 ca quấy rối diễn ra trong quân đội Đức, theo dữ liệu từ tổ chức nhân quyền Terre des Hommes.