NỮ QUÂN NHÂN MŨ NỒI XANH LAN TỎA HÌNH ẢNH ĐẸP VỀ "BỘ ĐỘI CỤ HỒ" Ở NAM SUDAN
Trong không khí trang trọng của Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VII (2021-2026) diễn ra tại Hà Nội ngày 13/12, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, khiến cả khán phòng lặng đi khi chị nhắc đến những câu chuyện tại Nam Sudan.
Nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Gương mặt bừng sáng, giọng nói ấm áp nhưng đôi lúc lại bị ngắt quãng bởi cảm xúc nghẹn ngào, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga thay mặt cho 41 nữ quân nhân của Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đã và đang tham gia Lực lượng GGHB của Liên hợp quốc chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc tại Đại hội.
Cách đây gần 8 năm (tháng 7/2014), Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB của LHQ. 4 năm sau (tháng 1/2018), Việt Nam triển khai nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động GGHB của LHQ tại Nam Sudan. Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga vinh dự và tự hào là nữ sĩ quan đầu tiên đó. Kể từ đó đến nay, số nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB của LHQ ngày càng tăng, nhất là sau khi Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến 2 tại Ben Tiu, Nam Sudan. Cho đến nay đã có 41 nữ quân nhân tham gia gia lực lượng GGHB của LHQ ở cả 2 hình thức (cá nhân và đơn vị) tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, chiếm tỉ lệ hơn 16%, cao hơn mức kỳ vọng của LHQ đề ra đối với các nước cử quân là (15%). Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cử nữ quân nhân tham gia đội hình Bệnh viện dã chiến 2.4 và Đội Công binh số 1.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết, các nữ quân nhân Việt Nam khi tham gia lực lượng GGHB của LHQ ở nhiều vị trí với vai trò khác nhau như: Sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, huấn luyện, quân y. Ở tất cả các vị trí, tiêu chuẩn đòi hỏi phải toàn diện, khắt khe như: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức hoạt động quân sự và chuyên môn tốt; giỏi ngoại ngữ; sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; có kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt; có hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, dân tộc, tôn giáo của các quốc gia cử quân và quốc gia tại phái bộ; có khả năng ngoại giao và hoạt động độc lập trong môi trường quốc tế địa phương; am hiểu luật pháp quốc tế, nắm chắc các quy định của LHQ; có ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm; ứng biến linh hoạt; thích nghi với mọi tình huống.
"Tôi cũng như các nữ quân nhân tự hào được tham gia Lực lượng GGHB của LHQ tại Nam Sudan. Với vai trò là Sĩ quan Tham mưu, giám sát các hoạt động quân sự ở Sở chỉ huy Phái bộ, hằng ngày tôi có nhiệm vụ nhận thông tin báo về trên toàn lãnh thổ Nam Sudan; phải phối hợp với đơn vị liên quan và giao nhiệm vụ cho đơn vị cấp dưới trong thời gian nhanh nhất bất kể ngày cũng như đêm, nhất là khi xảy ra xung đột giữa các phe phái. Thời gian làm việc thường xuyên kéo dài từ 14 đến 16 giờ/ngày, đôi khi do tình hình bất ổn chúng tôi phải ăn và ngủ ngay tại văn phòng", Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nhớ lại.
Có những em bé gái chỉ 13, 14 tuổi đã bị cưỡng bức từ những người họ hàng
Công việc của chị và các đồng nghiệp luôn bận rộn với các ca trực ban ngày và cả ban đêm nhưng Trung tá Hằng Nga vẫn thường ra ngoài khu vực dân cư sinh sống để trao quà từ thiện, giúp đỡ người dân khốn khổ, nhất phụ nữ và trẻ em. "Đó đã trở thành một phần việc không thể thiếu trong nhiệm kỳ công tác của tôi và các nữ quân nhân GGHB Việt Nam sau này", Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết.
"Tuy phải đối mặt với nhiều rủi ro như nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm như HIV, Ebola… hay nguy cơ mất an ninh, an toàn nhưng có 2 lý do khiến tôi cũng như các nữ quân nhân GGHB Việt Nam sau này vượt qua khó khăn, nguy hiểm để đến với người dân. Đó là hầu như không ngày nào trong ca trực, chúng tôi không nhận được những thông tin từ đồng nghiệp các nơi gửi về có những vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, cưỡng bức hay cướp bóc, giết người… Có lần, chúng tôi đã lặng đi, không cầm được nước mắt khi đọc báo cáo có những bé gái chỉ 13, 14 tuổi (bằng tuổi của con tôi) bị cưỡng bức từ những người họ hàng, người hàng xóm sống gần em. Vì đất nước đang chìm trong nội chiến, vì cuộc sống khó khăn dưới mức nghèo khổ nên các em không được bảo vệ và không dám lên tiếng, thậm chí gia đình các em cũng chỉ biết khi các em đã mang thai", giọng Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga bỗng nghẹn ngào nhớ lại.
"Bên cạnh đó, chúng tôi muốn lan tỏa hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", hình ảnh phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội trong lòng bạn bè quốc tế. Vì vậy, cứ có thời gian và đồ quyên góp được, chúng tôi lại tranh thủ đến với người dân vào dịp cuối tuần, giờ nghỉ trưa hay buổi chiều khi hết giờ làm để lắng nghe và chia sẻ, phần nào động viên, giúp họ tạm quên đi những khó khăn thường ngày. Khi chơi với các em nhỏ, chúng tôi có cảm giác như chơi với các con của mình. Nhìn những đứa trẻ bằng tuổi con mình nhưng không có đủ điều kiện được một bữa ăn no, được uống cốc nước sạch, được đến trường hàng ngày khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng", chị cho biết thêm.
"Chúng tôi - các nữ quân nhân Mũ nồi xanh Việt Nam vì thế trở thành cầu nối để họ hiểu thêm về đất nước, con người, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Khi biết tôi sắp kết thúc nhiệm kỳ, nhiều em nhỏ đã khóc, có em còn vẽ tranh, móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng tôi. Với tôi đó là những kỷ vật vô giá, tôi trân trọng mang về nước và đến nay vẫn giữ gìn cẩn thận", Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga kể.
Hình ảnh và hoạt động của các nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam với sự gần gũi, thân thiện, trách nhiệm, sẻ chia với bạn bè, với người dân bản xứ như một cách tiếp cận mới trong tham gia GGHB và được coi là điểm sáng, thể hiện những giá trị cốt lõi của hoạt động GGHB mà LHQ đang hướng tới. Đồng thời lan tỏa mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ", phụ nữ Việt Nam, về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.