pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sau 8 năm, cô gái khuyết tật tiết lộ câu chuyện bị xâm hại tình dục
Ảnh minh họa
Cô ấy đã chia sẻ trong cuộc thi truyền thông "Không đổ lỗi" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Báo PNVN thực hiện, được tài trợ bởi Cơ quan Viện trợ Australia và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam. Tác phẩm của cô đã đoạt giải Nhì nhưng quan trọng hơn, hy vọng niềm tin và sự dũng cảm của cô ấy sẽ truyền cảm hứng và tìm cách tự bảo vệ mình cho các nạn nhân khác.
Mùa đông 2009, tôi có chuyến công tác đến một huyện miền núi, tỉnh Điện Biên. Trở về nhà khách Ủy ban nhân dân huyện sau một ngày làm việc, tôi sợ hãi khi phát hiện ánh mắt của gã say rượu đang sòng sọc chăm chăm vào mình. Cất bước thật nhanh về phòng trọ giữa không gian chẳng một bóng người, ánh sáng leo lắt từ những căn phòng đã đóng kín, bước đi nhỏ bé của tôi càng luống cuống hơn, chao đảo hơn khi có tiếng chân đang hầm hập đuổi theo mình. Giấu mình sau lớp cửa gỗ của phòng nhưng nỗi sợ của tôi cứ thế lớn dần khi gã say ấy đập liên hồi cùng những lời lè nhè dụ dỗ:
"Em ơi, mở cửa cho anh vào….o. Anh muốn… rủ em đi uống cà phê rồi tâm sự, nói chuyện thôi mà. Đừng có sợ."
"Mở cửa cho anh vào. Anh đang rất cô đơn… và em cũng đang cô đơn. Anh có tiền đây này."
Hắn tiếp tục cợt nhả, cánh cửa cứ thế rung lên trong 2 phút. Trấn tĩnh chính mình, tôi cố gắng gọi đến lễ tân của nhà khách nhằm chấm dứt sự quấy rối này. Cuối cùng, lễ tân đã đến. Nép mình bên cửa phòng, đoạn hội thoại giữa họ mà tôi nghe được như sau:
"Anh ơi, anh đi về phòng đi. Anh đang làm cho chị ấy sợ đấy. Chị ấy mà hoảng lên là sẽ gọi công an".
"Anh thấy cô ta cô đơn nên anh thương thôi mà. Gọi cửa rủ đi chơi. Gái ngoài kia thiếu gì nhưng anh thấy cô ta khuyết tật nên anh thương hại".
"Anh thấy cô ta khuyết tật nên anh thương hại" - câu nói đó choán hết những bộn bề trong chuyến công tác ấy. Vì sao khuyết tật lại cần sự bố thí từ một kẻ quấy rối? Phải chăng họ vốn nghĩ tôi và những người như mình là những kẻ thiếu thốn nhu cầu thể xác nên xem đó là "ân huệ"? Không những thế, tôi nhận ra họ còn cho rằng chúng tôi chẳng có quyền lên tiếng.
Tôi đánh máy 3 lá đơn khác nhau, mỗi lá đơn dài 3 trang để gửi đến cơ quan, Ủy ban nhân dân huyện, phòng cảnh sát cơ quan huyện mô tả cụ thể những gì đã xảy ra với mình cùng những quy định của pháp luật về bảo vệ phụ nữ và người khuyết tật khỏi các hình thức bạo lực tình dục. Nhận lá đơn của tôi, nhân viên lễ tân ái ngại:
"Chị làm um vụ này lên làm gì ạ? Đã có hậu quả gì đâu".
Tôi nhìn cậu ta với ánh mặt kinh ngạc:
"Đấy là bạo lực tình dục và nếu hôm qua, chị không chạy kịp thì đã có vụ xâm hại tình dục xảy ra ở nhà khách của em".
"Chị ơi, chị đừng nghiêm trọng như thế. Ở đây, thi thoảng các anh ấy say, các anh ấy hay trêu chọc phụ nữ. Mấy em xinh đẹp, có khi là đồng nghiệp cũng bị trêu thế mà chị. Nam giới khi say không kiềm chế được trước vẻ đẹp của các chị em. Các cụ từ xưa đã nói:"Làm hoa cho người ta hái,Làm gái cho người ta trêu". Đây không phải là lần đầu đâu chị ạ mà cũng chưa từng có hậu quả gì. Anh ấy chẳng bảo là thấy chị cô đơn nên anh ấy thương, chứ có gì đâu. Giờ chị có muốn gặp quản lý của em thì em cũng sẽ đưa chị lên nhưng không được việc gì đâu chị ạ. Chị có ra công an, người ta cũng chỉ gọi anh ta lên, bắt viết tường trình rồi lại phải thả cho về thôi chị ạ. Mà để gọi được anh ta lên thì họ phải bắt chị khai thông tin. Bí mật giữa 2 người còn là bí mật chứ 3 người biết thì ngày mai khắp cả thị trấn này ai cũng biết. Giờ chị đi ra ngoài đường, người ta đã để ý, chỉ trỏ, hỏi han vì sự khác biệt của chị rồi. Nếu mà họ biết chuyện thì họ càng bàn tán, có khi còn đồn thất thiệt. Chị có khi lại khó làm việc với đối tác ở huyện. Em quý chị nên em nói thật như vậy ạ".
Tôi lặng người nghe lập luận bất công nhưng lại thật "hợp lý" như những bất công, quấy rối mà chị em khuyết tật chúng tôi đã, đang và sẽ phải chịu đựng. Hoá ra là người khuyết tật, chúng tôi không có quyền lên tiếng, chúng tôi phải là kẻ sợ bị cười chê. Nếu cơ quan và bố mẹ tôi biết chuyện thì chắc chắn họ sẽ quan ngại và không cho tôi đi công tác nữa. Tôi là người khuyết tật mà. Họ sẽ muốn tôi ở nhà, tốt nhất là ở trong một căn phòng có điều hòa, sáng đến cơ quan, chiều đi về cùng một tuyến đường vì đó là cách an toàn nhất cho tôi. Tôi đã chấp nhận im lặng.
Sự yên ổn có vẻ tạm thời nhưng nỗi ám ảnh dai dẳng mãi. Mặc định mình mà nói ra mọi chuyện thì càng rắc rối hơn nên tôi đã ôm nỗi sợ những nơi vắng vẻ, sợ những kẻ say rượu. Suốt 10 năm thường xuyên đi công tác, tôi vẫn gặp những trường hợp có nguy cơ khiến mình lại trở thành nạn nhân của xâm hại nếu thiếu kiến thức và kỹ năng phòng ngừa. Quả thật, "sẽ chẳng giải quyết được gì đâu" nếu chúng tôi vẫn sợ lên tiếng và chấp nhận phận mình là phải chịu sự "thương hại" từ người khác. Tôi có thể có những khiếm khuyết, khác biệt trên cơ thể nhưng tôi không để giấc mơ, hoài bão của mình bị tước mất. Tôi muốn đi đây đó, muốn tham gia các hoạt động xã hội, muốn được gặp gỡ, muốn làm việc và vui vẻ bên mọi người, muốn thấy mình đang đóng góp cho cộng đồng. Nếu im lặng, bao nhiêu người phụ nữ như tôi sẽ mãi mãi là phái yếu, là người "không thể tự bảo vệ mình" trong chính suy nghĩ của mình?
Sau nhiều nỗ lực, tôi trở thành người dẫn chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" trên VTV4 vào năm 2016. Tháng 3/2018, chúng tôi quyết định làm về chủ đề: Phụ nữ khuyết tật và xâm hại tình dục. Ban biên tập nhờ tôi đi tìm nhân vật đã từng bị xâm hại để kể câu chuyện của mình. Trong suốt 1 tháng, tôi đã thử thuyết phục nhiều người bạn mà tôi biết từng là nạn nhân của bạo lực tình dục nhưng tất cả đều từ chối xuất hiện, tất cả đều sợ hãi và đều im lặng - như tôi của 8 năm trước. Một chị chia sẻ với tôi về người con gái khuyết tật trí tuệ của chị đã bị một gã hàng xóm xâm hại tình dục và đánh đập. Lạ thay, chị lại nhận lỗi vì mình đã không biết cách bảo vệ, chăm sóc con, sợ điều tiếng mà buông tha cho gã ấy. Hành trình thực hiện phóng sự còn cho tôi biết, nhiều kẻ lợi dụng sự cô đơn của phụ nữ khuyết tật mà lừa ép họ quan hệ tình dục dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Sự cô đơn, thiếu kiến thức về nguy cơ bạo lực tình dục với chính phụ nữ khuyết tật và gia đình, sự yếu thế, khả năng chống cự yếu khiến chúng tôi - những phụ nữ khuyết tật dễ bị bạo lực tình dục hơn.
Tôi đã quyết định phải lên tiếng, với bố mẹ, cơ quan và cả với bạn xem truyền hình. Trái ngược với những lầm tưởng, họ trân trọng sự dũng cảm, cảm thấy tin tưởng tôi hơn vì khi tôi đã dám nói ra, nghĩa là tôi vượt qua cú sốc tâm lý, biết cách tự cách bảo vệ cho mình và hướng dẫn cho người khác. Tháng 5/2018, chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp" chủ đề Bạo lực tình dục với phụ nữ khuyết tật đã phát sóng, góp phần tăng thêm kiến thức lẫn sự dũng cảm trong cuộc sống vốn quá nhiều tự ti của phụ nữ khuyết tật cũng như đề ra hướng xử lý những kẻ xâm phạm. Bị quấy rối, tôi đã lo sợ và im lặng nhưng tôi chọn thay đổi. Trước khi nhận sự trợ giúp của người khác, cộng đồng người khuyết tật nên học cách yêu chính mình, ý thức được giá trị của mình và dám lên tiếng vì lẽ phải. Tôi làm được và tôi tin bạn cũng sẽ làm được.