Đừng tự biến mình thành “thời tiết xấu” của bản thân và cả bạn đời

Hoàng Anh Tú
22/02/2023 - 22:09
Đừng tự biến mình thành “thời tiết xấu” của bản thân và cả bạn đời

Ảnh minh họa

Có những thứ tưởng đúng mà lại thành sai, tưởng là thứ "tất lẽ dĩ ngẫu" để rồi nhận ra nó lại là "trần đời có một". Là khi ta lại chính là thứ "thời tiết xấu độc" của bạn đời và của chính ta vậy! Bạn đọc của tôi ơi, bạn có thể bỏ qua bài viết này vì nó rất đắng đấy!
"Bao đời nay, vợ là phải thế"

Tôi có một cô bạn với thâm niên làm vợ được 10 năm. Chồng bạn rất yêu thương và chiều chuộng bạn nên bạn đi đâu cũng tự hào và hãnh diện lắm. Bạn còn làm quân sư cho rất nhiều người vợ khác trong cách… "vợ khôn dạy chồng ngoan". Thiếu đường bạn mở lớp học về hôn nhân dành cho các bà vợ. Chúng tôi ai nấy cũng đều tin rằng, bạn đang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. 

Cho đến khi chồng bạn tâm sự với tôi rằng, anh ấy không thấy hạnh phúc một chút nào suốt 10 năm qua. Anh không ly hôn vì thương con. Anh vẫn chiều chuộng vợ vì tình yêu trong anh dành cho vợ vẫn còn. Chỉ là anh không sao hạnh phúc được với một người vợ như bạn tôi. 10 năm rồi, anh vẫn hiền hiền như thế, cam chịu và tặc lưỡi sống. Anh bảo sẽ cứ vậy suốt đời vì sống mãi cũng quen thôi.

Đừng tự biến mình thành... “thời tiết xấu” - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Cô bạn của tôi thì chẳng biết gì cả, 10 năm rồi vẫn vô tư sống với những định nghĩa của riêng mình. Và cứ tưởng mọi thứ đều đang ổn. Định nghĩa về làm vợ của cô là "bao đời nay, vợ là phải thế". Đàn ông không nên để họ giữ nhiều tiền sẽ sinh hư. Nên tiền của cô, cô giữ chặt, tiền của chồng thì cô bòn rút cho đến cạn kiệt. Lúc thì cô đòi mua túi, khi thì cô đòi đổi xe, tiền ăn học của con là trách nhiệm chi trả của chồng, tiền sinh hoạt cũng vậy. 10 năm qua, tích lũy của gia đình luôn là con số 0 tròn trĩnh. Tất nhiên, tiền của cô thì vẫn giữ chặt nhưng đó là tiền của cô, không liên quan đến chồng.

"Bao đời nay, vợ là phải thế" nên cô làm vợ giống những mẫu hình vợ mà cô nghĩ là đúng. Như "em đã hy sinh thân thể để sinh con cho anh rồi thì anh phải…", như "cơm nước nấu nướng, việc nhà bếp núc một tay em lo rồi nên anh phải….", như "phụ nữ lấy chồng là một thiệt thòi rồi nên anh phải….". 

Đến cả mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu, cô cũng đem định nghĩa "bao đời nay" vào để chống chế cho chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" với mẹ chồng. Về lý, đúng, cô cũng hy sinh nhiều cho gia đình, quan tâm và chăm sóc gia đình nhỏ này nhưng về tình, mọi thứ cô làm đều có mục đích và bắt chồng phải biết ơn cô. Mọi thứ vẫn an ổn suốt 10 năm qua đấy thôi. Là cô làm đúng mà. Vợ phải là "nóc nhà", chồng phải là "trụ cột".

Đừng tự biến mình thành... “thời tiết xấu” - Ảnh 2.

Tranh minh họa

"Bao đời nay, vợ là phải thế" nên nhiều người vợ học cách làm vợ của thiên hạ để áp dụng cho mình. Có cái đúng với người chồng này nhưng sai với người chồng khác. Vấn đề là nhiều người vợ, như cô bạn của tôi, không quan tâm đến cảm xúc của chồng mà chỉ quan tâm đến cái đúng của mình. May gặp anh chồng xuề xòa, tặc lưỡi thì không sao nhưng gặp anh chồng nhạy cảm thì nó thành không hạnh phúc. 

Nhiều người vợ là "thời tiết xấu" nhưng không biết mình là "thời tiết xấu" vậy. Bởi với họ, vợ là "nóc nhà", vợ luôn luôn đúng. Mọi thứ vợ sai chỉ là bởi chồng nghĩ vậy chứ không phải vậy.

"Thời tiết xấu" hại cả bản thân

Trong số những tâm sự của bạn đọc gửi về cho tôi, khi đọc nó, tôi thấy may mắn vì tôi không phải… chồng họ. Là những tâm sự của người vợ trữ đầy năng lượng tiêu cực nhưng không biết rằng mình đang giống như thứ "thời tiết xấu". Là chính họ đang biến mình thành "thời tiết xấu" không chỉ với chồng mà còn là với chính bản thân họ. 

Những tâm thư kiểu: "Nhiều đêm rồi em không ngủ được. Cứ nghĩ đến bạn gái cũ của chồng mà tức hết cả ngực. Dù họ đã chia tay được 2 năm, chồng em mới đến với em. Và suốt 6 năm hôn nhân, anh ấy chưa bao giờ liên lạc với người yêu cũ. Nhưng lúc nào em cũng bị ám ảnh về cô ấy. Vì cái gì cô ấy cũng hơn em. Vì mọi người hay nói, em giống cô ấy. Nên em nhiều khi đá thúng đụng nia với chồng. Em biết là em sai nhưng em không chịu nổi với ý nghĩ anh ấy cưới em vì em giống cô ấy". 

Người ngoài đọc có thể thấy cô vợ này thật ngớ ngẩn. Nhưng là vì ta không phải cô ấy, ta không trải qua những ám ảnh tâm lý này. Nói hãy bỏ qua quá khứ đi thì dễ nhưng làm được thậm khó. Và cô tự biến mình thành "thời tiết xấu", hại cả bản thân mình vậy.

Một dạng "thời tiết xấu" hại thân còn là những người vợ nhìn đâu cũng ra lỗi của chồng. Cằn nhằn với chồng không khiến cảm xúc bực bội thuyên giảm. Ghi lỗi của chồng ngày này qua năm nọ. Rồi cứ khi xảy ra chuyện là lại lôi ra dằn vặt chồng mình. Trở thành "thời tiết xấu" của chồng chưa đủ, thành "thời tiết xấu" của cả con cái và bản thân mình nữa. Có những người vợ hàng trăm thứ tốt của chồng thì không nhớ, coi đó là chuyện đương nhiên nhưng một lỗi sai của chồng thì thấy ngay và dằn vặt ngày này qua năm nọ.

Hay một kiểu vợ nữa, luôn so sánh chồng mình với chồng người ta. Nó được che phủ bởi lớp áo: Có yêu mới có kỳ vọng. Nên kỳ vọng ở chồng, đòi hỏi ở chồng mỗi ngày. Nhưng thay vì hiểu năng lực của chồng mình ở đâu, cô ấy lại lấy những mẫu hình ngoài kia để đòi hỏi chồng phải tương xứng, tương tự thậm chí phải hơn chồng cái A, chồng cái B. Vấn đề là khi kỳ vọng không đạt, cô ấy thất vọng về chồng rồi thất vọng về chính mình. Rằng sao ngày xưa mình mê muội lấy anh ta?

Nhiều người vợ cho rằng những gì mình nghĩ là "tất lẽ dĩ ngẫu" người vợ nào chả thế mà không hay rằng mình đang là người vợ "trần đời có một" là vậy.

Cải tạo lại "thời tiết" bản thân

Thật khó khi nhận ra lỗi của mình. Bởi đó là thứ phản xạ tự nhiên của con người: Luôn tìm ra lý do để bao biện cho bản thân. Nó là phản ứng tự vệ mặc định trong mình. Nên tôi vẫn đùa gọi rằng, ngoài 5 giác quan của con người, cả giác quan thứ 6: Linh cảm, thì con người ta rất cần thứ giác quan thứ 7: Tự Cảm về mình. Là hiểu được bản thân mình, nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Tiếc thay, thứ giác quan thứ 7 này không phải mọi người vợ đều có. Nên nhiều người chỉ thấy lỗi của chồng mà không nhận ra lỗi của mình.

Nhận ra lỗi của mình rồi nhưng sửa được không thì cần lắm sự can đảm của mỗi người. Can đảm nhận sai, can đảm sửa chữa. Chứ không phải "ôi, tôi còn hơn vô số người khác". Nhiều người vợ có thể xin lỗi khắp thiên hạ, trừ xin lỗi chồng.

Thế nên thật khó để nói cải tạo "thời tiết" bản thân khi mà nhiều người vợ không cho rằng mình là "thời tiết xấu" của chồng, thậm chí của bản thân mình, con cái mình. Chỉ là bạn đọc của tôi ơi, hôn nhân nào cũng đầy rẫy "thời tiết xấu" mà chúng ta phải đi qua nó mỗi ngày. Mưa trắng trời của những nước mắt bạn đã rơi trước một người chồng vô tâm, bạc bẽo. 

Thứ ô xy hóa của thời gian làm bạc màu hôn nhân. Hay động đất của việc phát hiện ra chồng ngoại tình. Hoặc bão tố sinh ra từ những trận cãi vã, gây tổn thương nhau. Tất thảy đều có thể vượt qua, chế ngự hoặc thậm chí sống chung. Nhưng thứ "thời tiết xấu" từ chính bản thân mình thì quá khó để nhận ra, quá đắng khi nhận ra. Bạn có nhìn thấy và muốn thay đổi nó chứ?

7 bẫy tư duy làm hỏng hôn nhân

Có những bẫy tư duy mà không phải mọi người chồng, người vợ đều nhận ra. Nó gồm những chiếc bẫy này:

- Chủ nghĩa hoàn hảo: Đặt ra các tiêu chuẩn không thực tế và cầu toàn cho bản thân và hôn nhân có thể dẫn đến sự trì hoãn và không có khả năng đạt được. Và sau đó bắt đầu nghi ngờ bản thân, nghi ngờ hôn nhân.

- Suy nghĩ quá nhiều: Suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bạn tiêu tốn quá nhiều thời gian và năng lượng vào việc phân tích và giải quyết vấn đề của hôn nhân mà không hành động.

- Tự nói chuyện tiêu cực: Tự nói chuyện tiêu cực liên tục, chẳng hạn như nói với bản thân rằng mình không đủ tốt, có thể dẫn đến thiếu động lực và nghi ngờ bản thân. Điều này có thể khiến bạn khó trở thành một người vợ ổn, một người chồng ổn.

- Thiếu tập trung: Khi bạn cứ loay hoay mãi với việc làm thế nào để vừa làm vợ tốt, vừa làm mẹ tốt, vừa làm con dâu tốt. Hoặc cứ so sánh với thiên hạ rồi chán nản về bản thân mình.

- Sợ thất bại: Là khi bạn không dám làm vì sợ thất bại sẽ ê mặt. Hoặc nghĩ rằng nó sẽ thất bại và không muốn làm. Định kiến sẽ khiến bạn nhụt chí.

- Chống lại sự thay đổi: Là khi bạn không dám thay đổi vì bạn sợ sự thay đổi đó sẽ khiến hôn nhân của bạn mất an toàn, bạn tặc lưỡi sống với những thứ đã quen rồi không muốn bỏ.

- Thiếu tự nhận thức: Bạn không bao giờ xét lại những gì bạn đã làm và luôn mặc định nó đúng. Ngay cả với cái sai thì bạn cũng chép miệng cho rằng nó đã qua rồi, không cần rút kinh nghiệm gì cả. Bạn luôn tự cho rằng, hôn nhân mình đã ổn, khỏi phải nghĩ ngợi gì nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm