Đường đi của "hoa hồng"

30/08/2017 - 12:35
Đơn thuốc của bác sĩ kê rồi "gợi ý" bệnh nhân ra nhà thuốc đã định. Nhà thuốc bán thuốc, còn trình dược viên lưu đơn lại. Cuối tuần hoặc cuối tháng, trình dược viên sẽ tổng hợp và trả hoa hồng cho bác sĩ.
Vụ việc Công ty VN Pharma nhập thuốc chữa ung thư không rõ nguồn gốc và khai rằng đã chi hoa hồng cho bác sĩ bệnh viện (BV) kê đơn, với số tiền lên đến 7,5 tỷ đồng đang khiến dư luận dậy sóng.

Lâu nay, khi nói tới thu nhập của bác sĩ, thường mọi người nghĩ đến lương, phụ cấp mổ và phong bì (người nhà cảm ơn). Nhưng với nhiều bác sĩ, hoa hồng của các hãng dược mới là nguồn thu lớn. Thậm chí, đây còn là thu nhập chính của bác sĩ tại một số BV lớn nếu họ không có phòng mạch tư.

Khi nói chuyện hoa hồng của hãng dược cho bác sĩ, bạn tôi có nhà thuốc bên cạnh một BV lớn nhất Hà Nội chỉ cười, bảo đó là chuyện thường.

Cô ấy hỏi tôi biết bác sĩ nào trong BV không. Khi tôi kể vài cái tên mà mình đã từng tiếp xúc, cô ấy bảo biết hết. Không những thế, còn biết hoa hồng từ các hãng dược là bao nhiêu nữa kìa.

Hóa ra, nhiều bác sĩ được các trình dược viên tư vấn, cho biết nếu trong kê đơn có thuốc đó thì sẽ được trích hoa hồng (theo thỏa thuận).
cac-thuoc-de-gay-tang-huyet-ap1491276500.jpg
Hoa hồng các hãng dược chi cho bác sĩ thường có ở BV lớn

Theo đó, đơn thuốc của bác sĩ đưa ra nhà thuốc đã định. Nhà thuốc bán thuốc, còn trình dược viên lưu đơn lại. Cuối tuần hoặc cuối tháng, trình dược viên sẽ tổng hợp và trả hoa hồng cho bác sĩ. Mỗi tháng, bác sĩ có thể nhận vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng của một hãng dược. Một bác sĩ có thể nhận hoa hoa hồng từ vài hãng. Tất nhiên, nhà thuốc cũng có lợi nhuận.

Thông thường, các bác sĩ BV tuyến TƯ, tuyến cuối hoặc BV tuyến tỉnh có cơ hội nhận hoa hồng từ các hãng dược nhiều nhất.

Một lần, tôi vào BV chuyên điều trị ung thư lớn ở Hà Nội. Nói chuyện về đơn thuốc, nhiều bệnh nhân cho biết, buộc phải mua thuốc ở một số nhà thuốc mà bác sĩ "chỉ định". Có người nhà bệnh nhân kể, cầm đơn thuốc của bác sĩ nhưng vì một lý do nào đó đã ra nhà thuốc khác mua về điều trị nội trú. Thấy vậy, bác sĩ kiên quyết không sử dụng, buộc người nhà phải mua thuốc của đúng nhà thuốc đã chỉ định. Không còn cách nào khác, người này đành phải ra nhà thuốc xin trả lại thuốc. Nhà thuốc cho trả với điều kiện chịu một khoản phí trả lại.

Ngoài hoa hồng, hàng năm hãng đều mời bác sĩ đi nước ngoài du lịch, nghỉ mát dưới danh nghĩa tập huấn. Những ngày lễ, Tết, bác sĩ đều có quà của hãng hoặc trình dược viên bỏ tiền ra tặng để giữ mối quan hệ.

Cũng vì hoa hồng, có những bệnh nhân tiên lượng khó qua khỏi, nhưng bác sĩ vẫn kê những đơn thuốc lên tới vài triệu đồng/lọ mà kê trong mấy ngày. Tất nhiên, nếu có thắc mắc bác sĩ sẽ trả lời “còn nước còn tát” và người nhà bệnh nhân đâu dám không mua.

Trong một lần nói về vấn đề này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết đúng là có một số bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng dược nhưng chỉ là số ít, không phải đa số.

Vâng tất nhiên, "một số ít" là số người được phát hiện. Nếu thanh kiểm tra, sẽ còn có nhiều vụ việc như VN Pharma. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm