pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gần 20 năm xa quê, người phụ nữ vẫn mang Tết Việt theo gia đình
Gia đình Thu Hà quây quần bên nhau đón Giao thừa. Ảnh: NVCC
Đã 19 năm chị Thu Hà cùng chồng sang Đức. Nhớ cái Tết đầu tiên ở xứ người, nhìn tuyết rơi buốt lạnh, nỗi nhớ bố mẹ, nhớ quê hương cứ đầy lên trong tâm trí. Chị gọi điện về cho mẹ mà hai mẹ con cùng khóc. Chị không muốn khóc, không muốn mẹ lo. Nhưng ở thời khắc linh thiêng nhất trong năm, khi đất trời chuyển giao đón mùa xuân mới, mọi gia đình đoàn tụ xum vầy lại khiến cảm xúc của đứa con xa xứ không thể kìm nén.
Cuộc sống cứ thế cuốn đi, những vất vả, mưu sinh nơi xứ người khiến chị quen dần với nỗi nhớ. Hai cô con gái xinh xắn lần lượt ra đời, tổ ấm vẹn tròn rất cần bàn tay đảm đang, vun vén của người mẹ. Trong đầu chị luôn có suy nghĩ, làm sao để những ngày lễ quan trọng ở quê hương luôn hiện hữu trong ngôi nhà của mình, nhất là những ngày Tết Việt.
Sinh ra ở Hà Nội, lúc ở nhà, chị cũng học hỏi được cách nội trợ khéo léo từ mẹ mình. Khi sang xứ người, nhớ quay quắt những món ăn đậm chất quê hương mà không dễ gì tìm được ở đây. Chị đã mày mò tự làm cho cả nhà ăn, lúc đầu có bị hỏng, sau dần đã thành công. Chồng và các con luôn thích những món ăn thuần Việt mà chị làm như bánh cuốn, bánh giò, bánh gối, quẩy, bỏng gạo, bánh trung thu, bún ốc, bún cá... Cứ đến ngày rằm, ngày lễ, chị trổ tài. Được cả nhà hưởng ứng, động viên, nhìn thành quả đẹp mắt, chị vui lắm.
Để phù hợp với công việc, 10 năm trước đây gia đình chị chuyển đến ngôi làng nhỏ. Gần đó là khu bảo tồn thiên nhiên nên có nhiều rừng cây. Không khí trong lành, mát mẻ, chỉ có điều khá xa chợ châu Á và khu tập trung người Việt ở. Nhiều khi chị nói vui, đặc sản mùa đông ở đây là tuyết, những rừng cây tuyết phủ trắng trời, những con đường hun hun một màu tuyết trắng. Nhưng mỗi khi Tết đến, ngôi nhà nhỏ xinh của chị luôn ấm cúng, đầy ắp tiếng cười.
Trước Tết cả tháng, chị đi chợ Việt mua sắm đầy đủ măng, miến, mộc nhĩ, gấc, gạo nếp, đỗ xanh, lá dong đông đá...
Vốn là một người yêu hoa, trong nhà chị luôn có những bình hoa ngẫu hứng duyên dáng, đẹp mắt. Nên khi Tết gần đến, chị cũng cố tìm cho mình một cành đào hoặc cành mận rừng nho nhỏ. Chút sắc màu xinh xắn đó sẽ mang mùa Xuân, sưởi ấm cho cả căn phòng. Nhiều năm trời lạnh quá, đào không nở hoa, 3 mẹ con chị lại hì hụi, người cắt hoa, người dán nhụy làm hoa đào giả. Lúc làm xong, bố đi ra đi vào cứ trầm trồ khen, hoa đào giấy mà nhìn như hoa thật, cả nhà lại nhìn nhau cười hạnh phúc.
Không khí Tết có trong nhà chị từ trước ngày 23 tháng Chạp. Cúng ông Công ông Táo xong, chị làm giò chả, bánh mứt, nên ngày nào nhà chị cũng đầy hương vị Tết. Ba bố con được chị giao nhiệm vụ gói bánh chưng. Bố học gói trước, rồi dạy các con lần lượt làm theo. Hai cô con gái của chị cũng rất thích thú với khâu chuẩn bị đón Tết Việt. Ngoài ra, các con còn tự lên mạng tập viết câu đối để trang trí trong nhà. Ngày Tết, 2 cô con gái còn hưởng ứng với mẹ mặc áo dài Việt để chụp hình làm kỷ niệm và gửi về quê cho ông bà xem. Đó là những giây phút thật hạnh phúc và đầy yêu thương của cả gia đình.
Ngày 30 Tết, cả nhà cùng nhau làm một mâm cơm tất niên có các món ăn truyền thống như thịt gà, canh măng, bóng xào, xôi gấc, nem... Cũng thắp hương vào đúng giờ chiều 30 Tết ở Việt Nam, sau đó cả nhà cùng thụ lộc và xem Táo quân. Nếu Tết rơi vào ngày chủ nhật, chị thường mời những người bạn Đức cùng đến ăn tất niên với gia đình mình. Họ rất thích món bánh chưng, nộm, nem rán, xôi gấc...
Khi thời khắc giao thừa đến ở quê nhà thì bên Đức, chị cũng thắp hương cúng trời đất, gia tiên. Gọi điện về chúc tết bố mẹ, họ hàng rồi cả nhà cùng quây quần bên ấm trà, ăn bánh mứt, kể cho nhau nghe về những việc đã làm trong năm cũ. Bố mẹ lì xì cho các con và chúc các con một năm mới gặp nhiều may mắn.
Gần 20 năm sống xa quê, chị Thu Hà được về Việt Nam ăn Tết 4 lần cùng gia đình. Có lần về không báo trước, sau khi bấm chuông cửa, mẹ chị ngạc nhiên nhìn thấy con gái mà mãi không thể nói thành lời. Đến lúc hết phép sau Tết, cả nhà mẹ con chị lại ôm nhau rưng rưng chẳng muốn rời đi. Dẫu bộn về đến bao nhiêu, chị vẫn cố mang sang Đức một cành đào nhỏ, để thấy xuân quê hương cũng rực rỡ, bung nở ở xứ người. Để thấy dù ở nơi xa xứ, Tết Việt cũng thật gần trong lòng mỗi người Việt mà thôi.