Gần 49% lao động có việc làm là nữ

03/03/2017 - 17:00
Việc làm đang có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ, gây ra nguy cơ trả lương thấp, thậm chí là mất việc làm cho lao động nữ Việt Nam. Ngoài ra, những gánh nặng về công việc gia đình, định kiến giới khiến phụ nữ khó phát huy tiềm năng của mình.
Đó là những phản ánh của cả đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tại hội thảo “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi” diễn ra ở Hà Nội ngày 3/3.
lao-dong-nu-viet-nam-co-ngap-nhieu-kho-khan-2.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm khoảng 48,48% và năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong thị trường lao động vẫn còn phổ biến và hạn chế việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, cụ thể: 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
lao-dong-nu-viet-nam-co-ngap-nhieu-kho-khan-1.jpg
Lao động nữ còn chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh minh họa
Ngoài ra, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang khiến máy móc thay thế con người rất nhiều, đặc biệt trong các ngành gia công hay nông nghiệp. Trong khi lao động nữ Việt Nam phần lớn lại làm việc trong những ngành nghề này, nên nhiều việc làm lâu nay của phụ nữ sẽ bị mất đi. Quá trình hội nhập cũng đòi hỏi trình độ tay nghề cao hơn, lao động nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, lao động nữ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, trong khi trình độ đào tạo lại chưa được cải thiện nên mức lương được trả sẽ bị thấp hơn. Đặc biệt, những gánh nặng về công việc gia đình, định kiến phụ nữ không làm việc được như nam giới khiến cho phụ nữ lại càng khó khăn để thăng tiến trong công việc, được hưởng những thành quả xứng đáng với bản thân mình.
lao-dong-nu-viet-nam-co-ngap-nhieu-kho-khan-3.jpg
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam - phát biểu tại hội thảo
Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, cần phải quyết liệt hơn nữa từ trong chính sách để đảm bảo tăng quyền kinh tế cho phụ nữ. Nếu phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm thì GDP sẽ tăng thêm 4,7% vào năm 2030. Ngoài ra, theo khuyến nghị của ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cần đưa bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ vào trọng tâm của việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế quốc gia.
lao-dong-nu-viet-nam-co-ngap-nhieu-kho-khan-4.JPG
Các đại biểu tham dự hội thảo
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm