Gần 60% phụ nữ dân tộc thiểu số cho rằng việc chồng bạo hành vợ là chấp nhận được

19/10/2018 - 13:14
35% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) từng bị bạo lực về thể xác hoặc tình dục do chồng/bạn tình của họ gây ra. Tuy nhiên, có tới 58,8% phụ nữ cho rằng việc người chồng bạo hành vợ là chấp nhận được. Trẻ em gái DTTS có khả năng kết hôn sớm hơn trẻ em gái người Kinh gấp 17 lần.

Những số liệu trên được công bố tại Hội thảo “Khơi nguồn nội lực” diễn ra ngày 19/10 tại Hà Nôi nhằm chia sẻ thực hành tốt về lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các cộng đồng DTTS.

 

hoi-thao1.jpg
Các phụ nữ DTTS chia sẻ tại Hội thảo về việc họ chủ động tạo ra những thay đổi cuộc sống và cộng đồng của chính mình thông qua việc lồng ghép giới. Ảnh: B.N

Hội thảo nhằm tạo không gian chia sẻ và thảo luận về những thành công, cũng như khó khăn trong việc huy động sự tham gia của phụ nữ DTTS trong tiến trình xây dựng và triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng DTTS tại Việt Nam.

Có mặt tại Hội thảo, các phụ nữ DTTS (Khmer, Mường, Mông, Tày đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình) đã chia sẻ về việc họ chủ động thế nào trong việc tạo ra những thay đổi cuộc sống và cộng đồng của chính mình thông qua việc lồng ghép giới.

Thực tế, trong các cộng đồng DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường ít được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực. Họ thường gặp phải sự phân biệt đối xử vì giới tính cũng như nguồn gốc của mình. Điều này khiến họ có nguy cơ bị bỏ rơi, luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.

 

dtts.jpg
Ảnh minh họa

 

Những nguyên nhân chính có thể kể đến như các định kiến giới, hạn chế giáo dục, gánh nặng việc nhà, tỷ lệ sinh cao và kết hôn sớm. So với nam giới, phụ nữ DTTS cũng ít đảm nhận các vị trí quản lý, ra quyết định hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện UN WOMEN: Hội thảo tạo thêm không gian cho phụ nữ DTTS lên tiếng, được lắng nghe và nhận được sự cam kết của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thúc đẩy ình đẳng giới một cách thực chất.

Hội thảo do Irish Aid, Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường (iSEE) và cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực giới tại các vùng DTTS, các cơ quan LHQ, Học viện, trường ĐH và Ủy ban Dân tộc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm