Gặp người lính kéo cờ giải phóng đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa

Khánh Linh
29/04/2021 - 22:58
Gặp người lính kéo cờ giải phóng đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa

Chiến sĩ canh giữ Bia chủ quyền đảo Đá Tây A Ảnh minh họa: Minh Tuấn

"Cả đời lính chiến, tôi tham gia nhiều chiến trường nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là trận đánh ở đảo Song Tử Tây. Đó là đảo đầu tiên được giải phóng, mở đầu cho một loạt chiến thắng liên tiếp tại các đảo khác ở Trường Sa ngày ấy". Người lính đặc công Lê Xuân Phát năm xưa giờ đã chạm ngưỡng 70 tuổi bồi hồi mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Lá thư gửi gia đình trước khi ra trận

Ngồi ở góc sân phía sau căn nhà tại TP Hải Phòng, ông Lê Xuân Phát cho chúng tôi xem từng bức ảnh đen trắng mà ông sưu tầm về Trường Sa, về đảo Song Tử Tây, về đồng đội và cả những bức ảnh thăm lại đảo sau này. Ông cho biết, năm 1975, ông đang công tác ở Đội 1, Tiểu đoàn 861, thuộc Binh chủng Hải Quân (nay là Tiểu đoàn đặc công, Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải Quân) thì nhận được lệnh vào Nam chiến đấu. Lúc nhận được lệnh, Lê Xuân Phát mới 22 tuổi, chưa có vợ con. "Phải đến lúc hành quân đến cảng Đà Nẵng, tôi mới biết nhiệm vụ của mình là ra giải phóng đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Trước khi xuống tàu, chúng tôi đều tranh thủ viết thư về nhà nói lời ly biệt. Tôi có nhắn bố mẹ: Con đi đánh đảo trận này, nếu còn người trở về được, con sẽ về với bố mẹ. Nếu con không thể về thì bố mẹ cũng lấy ngày con viết lá thư này mà thắp cho con nén hương...", ông Phát nhớ lại.

Ông Lê Xuân Phát cùng hơn 20 đồng đội nhận nhiệm vụ ra giải phóng đảo đều xác định sống chết vì Tổ quốc. Xuất phát từ Đà Nẵng ngày 11/4/1975 trên 3 tàu không số được ngụy trang thành tàu đánh cá, họ lênh đênh trên biển khoảng 3 ngày, đến rạng sáng 14/4/1975 thì đến đảo Song Tử Tây. "Khi tới đảo, anh em chúng tôi lúc đó vẫn say sóng, cảm giác lâng lâng. Nhưng khi đặt chân xuống xuồng cao su để tiếp cận đảo thì ai cũng tỉnh táo rất nhanh. Lực lượng lúc đó được chia làm 4 mũi, bí mật tiếp cận đảo", ông Phát nhớ lại.

Lúc đó, ông Lê Xuân Phát ngoài nhiệm vụ chiến đấu còn có nhiệm vụ nhận định thời cơ, nắm bắt tình hình và phải kéo cho bằng được lá cờ của quân giải phóng trên đảo Song Tử Tây. Lá cờ giải phóng được giao cho thượng sỹ Lê Xuân Phát từ trong đất liền và được ông buộc chặt quanh người. Sau hơn 20 phút chiến đấu, tiếng súng đã co cụm về phía đài chỉ huy của địch, thượng sĩ Lê Xuân Phát tách khỏi đội hình, nhanh chóng tiếp cận cột cờ. Bằng thao tác nhanh gọn, thượng sĩ Lê Xuân Phát một tay kéo lá cờ ngụy xuống, một tay nâng lá cờ giải phóng ngang đầu. "Lúc đó, cờ của ngụy đã gần xuống tới mặt đất thì đột nhiên bánh xe bị kẹt lại. Tôi phải leo lên cột, hạ cờ địch xuống rồi kéo cờ của ta lên. Tôi vừa kéo cờ vừa khóc. Sau đó, tôi dùng loa đài, kêu gọi địch ra hàng. Quân ngụy lúc đó biết không thể kháng cự được nữa, nên chỉ 15-20 phút sau tất cả lính ngụy trên đảo đều ra hàng", ông Phát kể.

Gặp người lính kéo cờ giải phóng đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Phát là người lính kéo cờ giải phóng đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa

Trận đánh kéo dài khoảng 30 phút và kết thúc đúng ngày 14/4/1975. Đảo đầu tiên quân ta làm chủ đã mở đầu cho loạt chiến thắng liên tiếp của quân giải phóng ở các đảo khác của quần đảo Trường Sa lúc ấy.

Sau hơn 2 tháng hoàn thành nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, ông được về phép thăm gia đình. "Tôi về giữa đêm, ngại gọi cửa bố mẹ, nên tôi mắc võng nằm ngay ở hiên nhà. Sáng ra, mẹ tôi dậy sớm mở cửa, thấy tôi đã hét toáng lên: Thằng Phát phải không? Mày chết rồi mà sao về được đây? Sau giây phút ngỡ ngàng, bố mẹ cứ ôm tôi mà khóc vì mừng", ông Phát bồi hồi nhớ lại.

Thăm bố mẹ được ít giờ, thượng sĩ Lê Xuân Phát lại lên đường chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Rời binh nghiệp năm 1988, ông luôn mong mỏi có nhiều cơ hội được trở lại thăm đảo nơi chiến đấu cũ.

Vui mừng trước những đổi thay ở Song Tử Tây

46 năm Ngày giải phóng Trường Sa đã trôi qua, ông khoe đã trở lại thăm Trường Sa 2 lần. Lần đầu là năm 2012 và lần gần đây là 2018, ông được thăm Trường Sa và một loạt các đảo. Nhưng cảm xúc đặc biệt nhất vẫn là lúc ông đặt chân đến đảo Song Tử Tây sau 37 năm Ngày giải phóng (năm 2012). "Lúc đó, thực sự tôi rất bất ngờ khi thấy đảo Song Tử Tây đã thay da đổi thịt. Những ngôi nhà khang trang được dựng lên, không còn bóng dáng của hòn đảo trơ trọi ngày nào nữa. Tôi cứ đứng lặng, mắt nhoà đi. Tôi khóc vì vui sướng, không ngờ đảo Song Tử Tây đã thay đổi như thế", ông Phát kể.

"Với tôi, chuyện kéo cờ giải phóng trên đảo Song Tử Tây ngày ấy đúng là kỷ niệm hào hùng của thời trai trẻ. Một kỷ niệm đặc biệt của riêng tôi. Tôi không phải người hùng bởi ai nhận nhiệm vụ lúc ấy đều sẽ làm như tôi thôi", người lính năm xưa bồi hồi nói. Có điều, mỗi khi thấy đài, báo nhắc đến tên ông trong những ngày tháng 4 lịch sử, con cháu trong gia đình lại tự hào về ông. "Tôi có 2 con trai và mới có 1 cháu nội. Thi thoảng thấy ông mặc quân phục có nhiều huân, huy chương đi họp, nó lại ôm ông, thơm lên những ngôi sao và bảo: Cháu thích lắm, mỗi ngôi sao là một chiến công của ông nội đây mà", ông Phát vừa kể, vừa đặt tay lên những chiếc huân, huy chương lấp lánh trên ngực áo với niềm hạnh phúc giản đơn của người cựu chiến binh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm