Gia cảnh khó khăn của bé sinh non do mẹ bị tai nạn giao thông

10/08/2017 - 06:58
Được cứu sống một cách kỳ diệu từ ca mổ gấp bắt con do mẹ mang bầu 8 tháng bị tai nạn giao thông, bé Cao Đức Trọng nay đã 1 tuổi. Song, bé đang phải sống trong cảnh rất khó khăn.
Ngôi nhà của anh Cao Đức Dương (bố bé Trọng) ở thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, ngột ngạt vì cái nắng hè gay gắt.

Vừa ở ngoài đồng về, bà Đỗ Thị Mây, mẹ anh Dương, kể: Đã 5 ngày nay bé Trọng phải ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Thụy để điều trị bệnh viêm phổi. “Cháu bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 7kg, hiện bị viêm phổi rất nặng. Một tuổi rồi mà cháu mới chỉ biết bò, ngồi còn chưa vững. Tôi phải ở nhà lo cho anh chị cháu, nên hiện dì cháu ở viện trông nom đỡ”, bà Mây tâm sự.
Bé Trọng bên người thân

Bà Mây kể, 1 năm sau vụ tai nạn, gia đình bà vẫn chưa thể trở lại bình thường. Tai nạn xảy ra khi anh Dương đang cầm lái xe máy, chở vợ là chị Đồng Thị Cúc (SN 1988, đang mang bầu 8 tháng) và 2 con là cháu Cao Đức Huy (SN 2008), Cao Thị Ngọc Quỳnh (SN 2011).

Vụ tai nạn đã khiến anh Dương bị chấn thương sọ não, cháu Huy và cháu Quỳnh bị thương nhẹ, còn chị Cúc bị thương rất nặng. Để cứu đứa bé đang trong bụng mẹ, các bác sĩ đã quyết định mổ đẻ gấp. Sản phụ Cúc đã tử vong ngay sau khi các bác sĩ kịp mổ đẻ, cứu đứa con.

“10 ngày sau vụ tai nạn, tôi đón cháu Trọng đỏ hỏn, nhỏ xíu từ bệnh viện về nhà, đón cả cháu Quỳnh về chăm sóc vì chẳng có người túc trực ở viện được. Khi đó, bố cháu vẫn hôn mê bất tỉnh trong viện. Nhà vốn nghèo, chỉ cấy mấy sào ruộng không đủ ăn, nên ông nội các cháu tuổi tuy đã cao nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm phụ vữa để lấy tiền nuôi cháu”, bà Mây bộc bạch.

1 năm chăm lo đứa cháu sinh non mất mẹ từ lúc vừa chào đời, 1 cháu nhỏ 5 tuổi bị di chứng rạn sọ sau tai nạn và đứa cháu lớn nhất mới 8 tuổi khiến bà Mây già sọm đi. Cháu Quỳnh đang học lớp 1 nhưng do di chứng TNGT nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và trí tuệ, lúc quên lúc nhớ, cháu không được lên lớp vì kết quả học tập quá kém.

Còn anh Dương sau khi nằm điều trị trong viện nửa năm giờ đã tỉnh lại nhưng sức khỏe suy kiệt, thường xuyên bị đau đầu, không làm được việc nặng. Thỉnh thoảng do thần kinh ức chế, anh còn nổi khùng lên đánh đập cả những người trong nhà.

Có những giai đoạn anh nằm liệt giường tới hàng tháng. Giờ hoàn cảnh gia đình không có tiền mua thuốc uống chữa teo não và châm cứu chân cho anh, cũng không thể đưa cháu Quỳnh ra Hà Nội điều trị về não theo lời khuyên của bác sĩ.

“Hồi mẹ cháu mới mất, nhiều người muốn xin nuôi bé Trọng nhưng tôi không đồng ý. Lúc ấy, tôi chỉ mong bố các cháu bình phục, không được như xưa cũng được một phần, để còn trông nom, dạy dỗ các con. Nhưng giờ thì…”, bà Mây nghẹn ngào.

Mọi sự giúp đỡ hảo tâm xin gửi về: Bà Đỗ Thị Mây, thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, ĐT: 0168.4981863.

* Những điểm mới của Mottainai 2017:  

 - Quy mô toàn quốc;

- Bán đấu giá đồ online và trực tiếp;

- Lần đầu tiên chương trình có 2 đại sứ là diễn viên Bình Minh và Diễm My;

- Đại sứ đặc biệt là em Nguyễn Thị Sáng và các em của mình (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định hiến tạng của người mẹ mất do tai nạn giao thông để cứu 4 người khác. Hành động nhân văn của em Nguyễn Thị Sáng đã được Chủ tịch nước gửi thư khen;

- Ngày hội Mottainai 2017 sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen (TPHCM) vào ngày 13/8/2017 (Chủ nhật).

* Cách tham gia Mottainai 2017:

Từ ngày 15/5/2017, mời bạn:

Ủng hộ đồ đã qua sử dụng (Quần áo lành lặn, kiểu dáng kích cỡ phù hợp; Đồ gia dụng; Đồ nội thất; Đồ lưu niệm; Văn phòng phẩm; Đồ chơi trẻ em; Đồ dùng học tập; Giày dép, túi xách, phụ kiện...), gửi về địa chỉ: Văn phòng đại diện Báo Phụ nữ Việt Nam, 38 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM, ĐT: 08.39303034 (gặp Ms Kim Phượng).

- Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 102010000016663 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: ủng hộ Mottainai).

Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam để mua đồ online và cập nhật về Chương trình.

* Qua 4 mùa tổ chức, Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” đã nhận được nhiều sự đóng góp từ cộng đồng:

- Trở thành cộng đồng có hoạt động ủng hộ đồ đã qua sử dụng lớn nhất cả nước với 200.000 người tham gia.

- Tổng số tiền thu được từ các hoạt động: Bán sản phẩm cho mẹ và bé, đồ gia dụng đã qua sử dụng, tài trợ của các đơn vị, cá nhân là trên 700 triệu đồng.

- Gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được hưởng lợi từ chương trình.

- Hơn 100.000 người đã trực tiếp có mặt tại các Ngày hội Mottainai ở TPHCM và Hà Nội.

- “Mottainai” xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có từ xa xưa, có ý nghĩa là “Lãng phí quá!”. Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực...) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

- Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

- Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong “4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa”.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm