Nhưng đến khi cả 3 cháu có biểu hiện mệt mỏi, nhất là bé Cao Hoàng A. (4 tuổi) là cháu nội của bà bị sốt và tiêu chảy thì cả nhà như ngồi trên đống lửa. Sáng 7/3, gia đình cho các cháu đi khám tại Bệnh viện Nhiệt đới TW, đến ngày 12/3 khi nhận kết quả tất cả đều bàng hoàng, cả 3 cháu đều nhiễm ấu trùng sán lợn. Trong khi đó, người lớn trong gia đình bà cũng lấy máu xét nghiệm thì kết quả cho thấy mọi người đều không bị nhiễm khuẩn ấu trùng sán lợn, trừ 3 cháu bé.
Ngay chiều đó bà mang kết quả ra trường để các cô giáo, bậc phụ huynh và cô hiệu phó nắm được. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có lời giải thích nào từ phía nhà trường.
Giờ đây, việc quan trọng mỗi ngày của ông bà là lo chia thuốc uống cho các cháu, với đơn thuốc kéo dài 10 ngày lại nghỉ 3 tuần, cứ như vậy lặp lại 3 lần rồi đi kiểm tra lại. Từng đó thời gian chính là sự thử thách kiên nhẫn mà gia đình đang gánh chịu.
Bà Cầu cho biết, từ hôm các cháu ốm sốt đến nay, bà không cho cháu đi lớp và chưa có ý định cho các cháu đi học lại. Dự định của gia đình là cho hai bé lớn nghỉ ở nhà đến khi vào đi học lớp 1, còn cháu Hoàng Anh sẽ chăm ở nhà. Nếu để cháu đi học thì gia đình cần nhà trường phải có lời giải thích và giải quyết triệt việc thực phẩm bẩn để lấy lại lòng tin không chỉ riêng của gia đình bà.
Câu nói của ông Cầu khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng: "Đêm nằm mà tôi không thể ngủ được. Tôi hoang mang lắm. Tôi không biết rồi sức khỏe lũ trẻ về lâu dài sẽ ra sao. Tôi là bộ đội bao nhiêu năm, đạn bom không sợ bằng việc con cháu bị nhiễm bệnh vì thực phẩm bẩn thế này...".
Cùng tâm trạng lo âu này là bà Nguyễn Thị Hảo (thôn Đại Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Hiện bà đang có một cháu ngoại sinh năm 2013 học tại mầm non Thanh Khương. Do cháu có biểu hiện kém ăn nên ngày 15/3 gia đình cho cháu xuống Hà Nội khám, nhưng sang tuần mới có kết quả, hiện nay gia đình rất bồn chồn lo lắng.
Như PNVN đã thông tin, mấy ngày gần đây, người dân xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành) xôn xao vì nghi ngờ trẻ học tại trường mầm non Thanh Khương bị nhiễm sán nghi ăn thức ăn không đảm bảo. Vì vậy, người dân đã đưa con em mình xuống Hà Nội xét nghiệm.
Liên quan đến thông tin nhiều trẻ ở xã Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) dương tính với sán lợn, tối ngày 15/3, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong ngày 15/3 có 230 trẻ từ Bắc Ninh đến xét nghiệm. Trong đó, 173 ca đã có kết quả và 44 trẻ được xác định dương tính sán.
Thông tin từ Viện Sốt rét và Kí sinh trùng TƯ cho thấy, có 135 trẻ ở Bắc Ninh đến khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy 13/135 trẻ dương tính với sán lợn.
Như vậy, tổng cộng đã có 57 trẻ tại Bắc Ninh được xác định nhiễm sán lợn.
Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học.
Khuyến cáo của bệnh viện Nhiệt đới TW về bệnh sán dây:
- Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. - Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. - Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Theo Tổ chức Y tế thế giới, gần 1/3 các trường hợp bị bệnh động kinh là do bị nhiễm sán dây lợn. Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục, đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy... |