Cả gia đình 5 người là F0: Thấu hiểu và bao dung hơn sau cơn bạo bệnh

An Khê - Ảnh: NVCC
21/09/2021 - 13:50
Cả gia đình 5 người là F0: Thấu hiểu và bao dung hơn sau cơn bạo bệnh

Vợ chồng chị Lý - anh Mậu cùng các con

Vào một ngày đầu tháng 8, gia đình chị Phạm Thu Lý (phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) rơi vào khủng hoảng khi anh Lê Tùng Mậu, chồng chị, nhiễm Covid-19. Trong vòng 15 ngày, lần lượt cả 5 thành viên trong gia đình chị đều trở thành F0.

Vững vàng vượt qua nỗi hoảng sợ, trở thành chỗ dựa cho người thân, chị Phạm Thu Lý đã đưa cả gia đình chiến thắng dịch bệnh trong bối cảnh "F0 tự cách ly tại nhà".

"Lá chắn thép" tinh thần

Có lẽ, chỉ có ai trở thành F0 mới cảm nhận được nỗi sợ hãi của những người "vượt qua cửa tử" như chị Phạm Thu Lý. Khi cả gia đình – những người thân yêu nhất đều ở trên lằn ranh sinh tử của bệnh tật, khiến cho nỗi sợ hãi càng tăng lên gấp bội. Thế nhưng, trong cơn đau đớn triền miên của những triệu chứng bệnh Covid-19, chị Phạm Thu Lý vẫn phải gồng mình để trở thành tấm "lá chắn thép" tinh thần cho chồng, con.

Nhớ lại những thời khắc ấy, chị Lý chia sẻ: "Hơn 15 ngày các thành viên trong gia đình tôi đồng loạt bị nhiễm Covid-19, tôi chưa lúc nào đặt bản thân vào việc phải trở thành điểm tựa cho ai cả. Lúc ấy, tôi cảm nhận đầy đủ các cấp độ của cơn đau, các vị trí bị bệnh nên tôi hiểu chồng, con đều cũng phải trải qua những cơn đau ấy, và đang dũng cảm đi qua cơn bạo bệnh. Tôi xót xa khi nhìn người thân lên cơn khó thở, khi con trai cùng chồng trước kia mạnh khỏe thì giờ rúm dó, quằn quại trong cơn đau. Con tôi từng nói: "Con Covid-19 này lấy đi tất cả của con. Lấy cơ bắp, sức mạnh và niềm vui". Tôi nén nỗi xót xa để động viên con: "Đúng là nó lấy đi rất nhiều thứ từ sức vóc, thể lực, trí lực còn niềm vui là do mình chọn".

Trong lúc ấy, cả thành phố đang ở trong tình trạng nguy hiểm với các ca bệnh tăng tới vài nghìn ca trong một ngày, cùng với đó là số ca tử vong do Covid-19 được cập nhật thường xuyên khiến chị Lý không khỏi lo sợ, nhưng giấu đi sự hoang mang ấy, chị tìm các biện pháp để giảm bớt những cơn đau cho người thân.

Những ngày đầu bị nhiễm Covid-19, chị Lý thấy cơ thể đau nhức, mỏi mệt, kèm phát ban. Lúc ấy, chị có nói với cả nhà: "Ồ, hóa ra các triệu chứng cũng gần như cúm, tuy cấp độ đau người, đau đầu, xoang nặng hơn thôi. Cả nhà cố lên, dù có thế nào cứ ăn uống không bỏ bữa nhé".

Tinh thần của chị đã khích lệ cả nhà rất nhiều, mặc dù sau ngày thứ 5 phát bệnh, chị cảm nhận rõ ràng vùng phổi bị bó cứng, các cơn khó thở liên tục, dồn dập. Những lúc dễ thở hơn một chút, chị bình tĩnh tìm hiểu các phương pháp để tự điều trị cho bản thân và cho chồng, con.

Chị Lý cho biết, mẹ chị là bác sĩ Đông y, em trai chị bị hen suyễn từ nhỏ nên khi còn bé chị đã phụ mẹ giúp em vượt qua bệnh tật bằng phương pháp đắp gừng vùng phổi. Trong cuộc sống hàng ngày, gia đình chị thường điều trị cảm cúm bằng xông hơi, đắp gừng, ngậm tỏi để giải cảm. Chia sẻ về điều này, anh Lê Tùng Mậu chồng chị cho biết, anh vượt qua "tử thần" Covid-19 nhờ sự chăm sóc của vợ và phương pháp đắp gừng của chị Lý. Đến giờ, anh Mậu vẫn cảm thấy biết ơn vợ vì chị chính là người đã cứu sống anh.

Vì khu nhà chị Lý ở bị phong tỏa đã lâu, nên từ thuốc thang, thực phẩm chuyển đến đều khó khăn và phức tạp hơn. Ngoài việc phải sắp xếp gọi nhiều mối để đặt hàng, chưa kể phải nhờ và hướng dẫn các con bổ trợ lẫn nhau, chị còn động viên các con tránh hoảng loạn, lo sợ, nhất là đối với hai con nhỏ. Có những ngày hai vợ chồng chị trở nặng thì con trai cả của chị sẽ nấu cơm cho hai em (anh chị có 3 con lần lượt học lớp 8, lớp 4 và mẫu giáo).

"Lá chắn thép" bảo vệ gia đình có 5 F0  - Ảnh 1.

Hai bố con anh Mậu với những bài tập thể dục tại nhà

Cùng nhau đưa con thuyền vượt bão

Chị Lý cho biết, mỗi lần nghe tiếng xe cứu thương, đọc thông tin số ca tử vong ngày càng tăng và nghe tin sự ra đi của những hàng xóm gần nhà là gia đình rất lo lắng. Nhưng chồng chị tránh những suy nghĩ lo sợ ấy bằng cách thiết kế các bài tập thể thao tại nhà để cả nhà cùng tập nhằm nâng cao sức đề kháng.

Còn chị thì sáng tạo những món ăn với số thực phẩm ít ỏi, tạo cuộc thi tiếng Anh giữa các con. Dù rất mệt mỏi, nhưng cả gia đình vẫn tổ chức chơi cờ vua, đọc truyện và kể lại cho các thành viên khác vào các buổi sáng và buổi tối mỗi ngày nhằm duy trì năng lượng tích cực cho mỗi thành viên.

"Khi đó tôi cảm thấy sự gắn kết, yêu thương gia đình là quan trọng nhất. Sự gắn kết ấy đã giúp cho gia đình tôi vượt qua những ngày dài khó khăn mà tưởng chừng như không thể vượt qua nổi ấy. Chính thời điểm này, tôi nhận ra trước đây mình quá mải mê công việc mà quên đi sức mạnh và giá trị to lớn của sự gần gũi, chia sẻ trong gia đình. Sau cơn bạo bệnh, gia đình tôi đã sống với nhau bằng sự thông cảm, thấu hiểu và bao dung", chị Lý chia sẻ.

Nếu như trước đây, công việc của mỗi thành viên trong gia đình là đi làm, đi học, ít gặp mặt nhau, thì giờ đây cùng ăn, cùng học, cùng chơi, cùng ngủ và cùng thức dậy một thời gian biểu. Chị Lý cho biết sẽ duy trì nếp sinh hoạt này kể cả sau khi hết dịch. Dù bây giờ, gia đình chị vẫn đang trong quá trình luyện tập phục hồi phổi bằng các bài tập thở, sức khỏe vẫn chưa được như cũ nhưng nụ cười luôn xuất hiện trong từng câu chuyện cũng như các hoạt động chung của cả gia đình.

Hiện tại, gia đình chị Lý đã có chứng nhận F0 khỏi bệnh của cơ sở y tế phường và cả gia đình vẫn duy trì thực hiện 5k và tuân thủ các Chỉ thị của Thành phố và Chính phủ. Vợ chồng chị còn dành thời gian hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho các gia đình F0 cách ly tại nhà.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm