pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia Lai: Hơn 100 câu lạc bộ dệt thổ cẩm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
Nghề dệt thổ cẩm vừa giúp các chị em có thu nhập ổn định, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa
Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 106 CLB dệt thổ cẩm với hơn 1.600 thành viên. Trong đó tập trung ở các địa phương như huyện Chư Păh, Phú Thiện, Kông Chro, TP Pleiku...
Lo sợ nghề dệt truyền thống đang dần bị mai một, tiếng khung cửi thưa dần trong buôn làng do sự tiện lợi của vải may công nghiệp, nhiều năm nay bà Mlốp (xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đã truyền dạy lại cách dệt cho mọi người trong làng nhằm bảo tồn, phát triển nghề dệt tại địa phương. Một trong những người được bà Mlốp đặt kỳ vọng sẽ giữ gìn, lưu truyền nghề dệt thổ cầm là chị Mlơnh - con gái của bà Mlốp.
"Dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp, tấm vải 1 mét thì mất 3 đến 4 ngày làm liên tục, nếu chỉ tranh thủ làm thì thời gian lâu hơn. Dệt vải yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Khi sản phẩm đầu tay của mình là một tấm thổ cẩm ra đời, mình tự nhủ phải tiếp tục học dệt để nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền", chị Mlơnh tâm sự.
Để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, những năm gần đây các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai luôn quan tâm, tạo điều kiện để chị em được tham quan, học hỏi, nâng cao tay nghề. Cũng nhờ vậy, số lượng câu lạc bộ dệt thổ cẩm ngày càng tăng phần nào khẳng định được vai trò của phụ nữ Gia Lai, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Pel - Chủ nhiệm CLB Dệt làng Phung (Pleiku, Gia Lai) - cho biết: "Chúng tôi tập hợp những phụ nữ giỏi tay nghề nhất của làng để tham gia CLB. Mọi người đều nghiêm túc, tâm huyết, tập trung tạo ra các sản phẩm dệt thật đẹp. Sản phẩm có sự kế thừa truyền thống và sáng tạo riêng cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trong quá trình làm ra sản phẩm, chúng tôi thường xuyên trao đổi, tìm tòi, đổi mới chất liệu để thổ cẩm có sự mềm mại, mang tính ứng dụng cao, phợp với nhu cầu của khách, thích hợp sử dụng hàng ngày".
Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nghề dệt thổ cẩm không chỉ mang đặc trưng giá trị văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập mà còn thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc khai thác và phát huy nghề dệt thổ cẩm theo hướng du lịch của các CLB đã mở ra hướng đi mới, mang đến hiệu quả kép, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Chị Rơ Châm Hyi trú tại xã Ia Mơ Nông (Chư Pah, Gia Lai) chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ dệt thổ cẩm phục vụ cho gia đình. Từ khi Hội LHPN xã Ia Mơ Nông thành lập Tổ liên kết "đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng", chúng tôi đón được nhiều du khách đến tham quan, đưa được sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác, có thêm thu nhập cho gia đình. Chị em phụ nữ ở đây rất vui khi là thành viên và sẵn sàng tham gia gìn giữ, xây dựng tổ liên kết ngày càng phát triển hơn".
Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, khách du lịch đến Gia Lai đạt trên 950.000 lượt, tăng nhiều lần so với năm 2021. Trong đó, các điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống đã thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm như dệt thổ cẩm, cồng chiêng, không gian làng, ẩm thực truyền thống… tại các làng đồng bào DTTS. Từ lợi thế đó, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ. Đồng thời, Hội sẽ nhân rộng và thành lập các CLB mới phù hợp thực tế. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS.