pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia tăng tội phạm mua bán người, nạn nhân không chỉ có phụ nữ mà còn mở rộng nhiều đối tượng
Phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người. Ảnh quochoi.vn
Sáng 8/5, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người. Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng… Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong Nhân dân.
Ngoài ra, qua thực tế cho thấy, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Đồng thời việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Qua đó cần phải tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc từ các quy định của luật. Trong đó, yêu cầu cần có đánh giá chính xác thực trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước; thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Theo Ủy ban Tư pháp, giai đoạn 2018-2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về.
Tại buổi giải trình, nhiều đại biểu cùng chỉ rõ những hành vi của tội phạm mua bán người với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nhiều đối tượng dùng chiêu bài dụ dỗ kiếm "việc nhẹ, lương cao," tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc hay như việc lợi dụng kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để cưỡng bức lao động, mua bán người hay chiếm đoạt tài sản… Nạn nhân vẫn chủ yếu là phụ nữ, bên cạnh đó, nạn nhân là nam giới cũng có xu hướng tăng; đặc biệt là xuất hiện thêm tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng…
Tại buổi họp, các đại biểu tập trung giải trình, làm rõ các vấn đề như: các điều cần sửa đổi trong Luật Phòng, chống mua bán người; nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân; kiểm soát tình trạng kết hôn với người nước ngoài, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; kinh phí hỗ trợ nạn nhân của các địa phương; khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra và đưa ra xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người…
Trình Quốc hội đưa dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật năm 2024
Để khắc phục những hạn chế và để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các mặt công tác trong phòng, chống mua bán người, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2024.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm, nguy cơ, phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán.
Chỉ đạo tăng cường lồng ghép có hiệu quả nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người. Tăng cường nguồn lực thích đáng cho việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định về dẫn độ tội phạm, chuyển giao người thi hành án phạt tù giữa Việt Nam và các nước mà Việt Nam chưa có các thỏa thuận song phương; tăng cường hợp tác với các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người...
Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can; tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế.