pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải cứu nông sản Hải Dương: Trong khó khăn càng cần sẻ chia, giúp đỡ
Giữa cái nắng gay gắt, hàng trăm người chờ mua nông sản của bà con vùng dịch Hải Dương.
Hàng trăm người giữa nắng gay gắt, chờ mua nông sản
11 giờ 21 phút, ngày 21/2, trên đường Giải Phóng (quận Đống Đa), cái nắng gay gắt như thiêu đốt da thịt, ai trên đường cũng mau mau chóng chóng trở về nhà. Đối lập với cảnh đó, kể từ nút giao Xã Đàn - Giải Phóng kéo dài đến đường Phương Mai (chạy bên hông Bệnh viện Bạch Mai), một hàng xe dài cả trăm mét gồm nhiều xe ô tô và hàng trăm xe máy đã nghiêm túc xếp hàng.
Trước cảnh tượng đó, nhiều người tham gia giao thông cũng tò mò dừng lại và hóng chuyện, khi biết rằng mọi người đang chờ xe chở nông sản đã qua kiểm dịch của bà con Hải Dương đến để giải cứu, họ lại gia nhập thêm vào đoàn người. Và vì vậy, tuy người ngày một đông nhưng ai cũng xếp hàng trật tự trước điểm tập kết ở số nhà 38 Giải Phóng.
Trong căn nhà, chị Ngô Thanh Thủy (42 tuổi), chủ Spa Hải Âu và hàng chục người thân, bạn bè và bà con ở Tổ dân phố số 5 (phường Phương Mai, quận Đống Đa) cùng trong tâm trạng sốt ruột. Chuyến xe tải chở 10 tấn nông sản (su hào, bắp cải) từ vùng dịch Kinh Môn (Hải Dương) vẫn chưa đến điểm tập kết, đã trễ hơn nửa tiếng so với thời gian đã thông báo với bà con đang đứng đợi ngoài kia.
Những ngày qua, tham gia vào việc giải cứu nông sản cho bàn con, chị Thủy và những tình nguyện viên của mình đã mất ăn mất ngủ, luôn trong trạng thái mỏi mệt, nhưng sau cùng ai cũng hoan hỷ vì đã góp một công sức nhỏ bé đễ hỗ trợ giải cứu nông sản cho những người dân vùng dịch.
Trước đó, xót xa khi thấy rau củ quả của bà con vùng dịch bị hỏng, quá lứa và phải vứt đi, chị Thủy và gia đình có mua 10 tấn để tặng cho bệnh viện dã chiến ở huyện Kinh Môn (Hải Dương). "Ít ngày sau đó, liên minh hợp tác xã trên địa bàn có gọi điện và nhờ tôi hỗ trợ giải cứu nông sản cho bà con. Tôi đồng ý, nhưng với điều kiện nông sản phải qua kiểm dịch, và từ đó đến nay đã hỗ trợ giải cứu 20 tấn nông sản, cộng thêm chuyến xe tải đang tới là tổng 30 tấn, đêm nay sẽ về thêm 30 tấn nữa", chị Thủy chia sẻ.
Ngoài kia, trời vẫn đang nắng gay gắt, cái nắng đến khó chịu khiến cho đôi chân của chị Trịnh Thị Ngọc Anh (49 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) trở nên đau nhức, nhiều lúc chị đành phải ngồi xuống. Chị Nhung đã bị khớp gần 30 năm nay, hôm qua may được thầy y bấm huyệt giúp, hôm nay chị mới có thể tung tăng diện váy ở đây. Được biết, đây là lần thứ 6 chị Nhung đến đây, trước đó đã rất nhiều lần, nhưng lần nào chị cũng mua hụt, vì mọi người đến giải cứu nhanh quá.
Mới 6 giờ sáng nay, ở đây tập kết 10 tấn nông sản (cà chua, cà rốt), nhưng do bận một số công chuyện, 8 giờ chị Nhung đến thì đã hết nhẵn. Bởi vậy, để không hụt lần nữa, 10 giờ chị đã đến - trước thời điểm tập kết 1 tiếng và quyết tâm đợi bằng được cho tới khi xe về. "Tôi không chỉ mua riêng cho nhà mình, mà còn mua hộ những hộ dân khác. Người ta nhờ vả mình, giờ lại thất hứa nữa thì cũng ngại. Hơn nữa, cũng do thương bà con vùng dịch quá, chỉ muốn chia sẻ với họ một phần nào đó để được an lòng", chị Nhung chia sẻ.
Đồng lòng hướng về Hải Dương
Đến sớm hơn chị Nhung một tiếng, chị Bùi Thị Hoa Mây (35 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) vừa chờ để mua và tham gia hỗ trợ sắp xếp nông sản vào túi. "Trong thời điểm dịch bệnh, việc giải cứu này có ý nghĩa biết bao và sẽ luôn được ủng hộ", chị Mây bày tỏ.
Mặc dù đã nhiều lần giải cứu dưa hấu, vải thiều ở Hà Nội, nhưng những lần đó chị Trịnh Thị Ngọc (49 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) mua vì thấy rẻ và đều có nhu cầu. Nhưng lần này, lại khác, chị mua vì mong muốn được trợ giúp bà con nơi quê nhà bước qua giai đoạn khó khăn này. "Trong suốt gần 3 thập kỷ làm dâu ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ được thấy người Hà Nội đồng lòng như lúc này. Triệu con tim như một, đồng lòng hướng về Hải Dương, hướng về đúng nghĩa của chữ đồng bào", chị Ngọc xúc động nói.
Chỉ ít phút sau lời chia sẻ của chị Ngọc, chiếc xe tải chở nông sản của bà con Hải Dương rồi cũng đến. Nhìn thấy chiếc xe đang lăn bánh từ từ vào điểm tập kết, hàng trăm người không ai bảo ai, trong đó có cả những đứa trẻ cũng đồng loạt vỗ tay. Cái nắng gay gắt, không sao khuất phục được họ. Tuy lúc đầu có lộn xộn, nhưng sau đó, ai ai cũng bảo ban và động viên nhau để chờ đến lượt mình, thậm chí có những người trẻ đã tình nguyện ra khỏi hàng để nhường cho những người già nhận trước.
Đứng trên lan can hành lang đường sắt, chị Thủy giơ cao tờ giấy xác nhận xe nông sản đã được phun khử khuẩn, đã qua kiểm dịch để nói thật to với tất cả mọi người. Bằng việc làm đó, chị muốn mói với tất cả mọi người, tất cả nông sản này đều là thực phẩm sạch, an toàn và đã được đảm bảo. Mọi người sẽ an tâm hơn khi chế biến trong gia đình hoặc biếu tặng người thân, bạn bè.
Chưa đầy 20 phút sau, 10 tấn nông sản trên đã nhanh chóng được giải cứu và ai cũng cảm thấy vui vẻ, hồ hởi vì vừa làm một việc có ý nghĩa. Bên cạnh những người may mắn mua được, vẫn còn rất rất nhiều người vẫn "trắng tay", nhưng họ vẫn vui vẻ ra về, vì theo chị Thủy cho biết, 23h đêm nay, 20 tấn rau và 10 tấn ổi của bà con vùng dịch sẽ tiếp tục được chở đến đây.
Thời điểm này, ở nơi tuy xa mà lại gần gũi ấy, những người nông dân Hải Dương trong bộ dáng tất tả vẫn đang phun khử khuẩn rau quả để kịp cho chuyến xe vào tối ngày hôm nay.
Theo lãnh đạo Hải Dương, hiện lượng hàng hoá tồn đọng trên địa bàn còn rất lớn. Với nông sản, tỉnh còn 4.080 ha rau vụ đông đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. Sản lượng ước tính khoảng 90.760 tấn. Hiện nay, khoảng 90% số cà rốt và 30% số rau bắp cải, su hào, su lơ, rau ăn lá của tỉnh được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa.