Giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng Covid-19

PV
11/05/2020 - 15:42
Giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng Covid-19
Đến nay đã có 63 tỉnh, thành triển khai, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với số tiền hỗ trợ đã giải ngân là hơn 20.000 tỷ đồng. Từ ngày 9/5, tập trung chi trả hỗ trợ lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng.

Theo ông Đào Ngọc Dung, trong 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ, trong đó đặc biệt quan tâm tới nhóm lao động trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm.

Tính đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng cho các đối tượng thuộc diện được hưởng. Đã có 45 tỉnh thành rà soát xong và bắt đầu tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng từ ngày 9/5/2020. Số tiền hỗ trợ cho nhóm đối tượng này dự kiến khoảng hơn 7.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, có tới 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là doanh thu giảm còn 70%. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch, hàng không, dịch vụ, lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp này vượt qua khó khăn, đến nay, có 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.

Đến nay đã có 63 tỉnh, thành triển khai, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với số tiền hỗ trợ đã giải ngân là hơn 20.000 tỷ đồng

Đến nay đã có 63 tỉnh, thành triển khai, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 với số tiền hỗ trợ đã giải ngân là hơn 20.000 tỷ đồng

Theo lãnh đạo ngành lao động, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thì đến nay sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân lực hoạt động sản xuất hoạt động trở lại. Ông Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.

Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Việc đào tạo sẽ tập trung tại doanh nghiệp gắn với trường nghề và hoạt động sản xuất trực tiếp, nhằm đáp ứng nhanh nguồn lao động có tay nghề đã được đào tạo và đào tạo lại.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó, qua theo dõi thực tế, nắm bắt tại các địa phương và phản ánh của người dân, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Một số đơn vị cấp huyện, xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ; quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp cũng như xác định cụ thể thời điểm được nhận hỗ trợ, đặc biệt là đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Đồng thời thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm