Giám sát gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng phải chặt chẽ từ đầu

PV
27/04/2020 - 14:57
Giám sát gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng phải chặt chẽ từ đầu

Ngày 26/4, người dân tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, Hà Nam đã bắt đầu nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Ảnh: Dương Hưng

Chiều nay (27/4), Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai và giám sát thực hiện các chính sách Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai và giám sát thực hiện các chính sách Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, bày tỏ vui mừng khi dịch Covid-19 hiện nay cơ bản được kiểm soát lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân và duy trì sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện nghiêm Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Trần Thanh Mẫn mong rằng ngành lao động, thương binh và xã hội cùng MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phối hợp giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách an sinh đặc biệt quan trọng này.

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị triển khai kịp thời gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng; đặc biệt giám sát, triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy rả tiêu cực.

Lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm phối hợp của MTTQ, các Hội đoàn thể và các cấp, các ngành trong những chương trình trước đây cho thấy, những chương trình có sự giám sát chặt chẽ và có sự tham gia tích cực của nhân dân, phát huy vai trò to lớn của mỗi người dân, thì các chương trình đều phát huy được hiệu quả tích cực, giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, thiếu minh bạch, chưa công tâm…

Hiện nay, đông đảo tầng lớp người lao động, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đang mong chờ từng ngày triển khai tiền hỗ trợ đến tận tay người dân. Qua đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị việc giám sát, triển khai thực hiện gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng phải chặt chẽ ngay từ đầu, giám sát từ khâu lập danh sách, công khai tên, tuổi, địa chỉ các đối tượng; cùng với đó có các biện pháp công khai các đối tượng, mức hỗ trợ như niêm yết danh sách ở nơi thuận lợi để nhân dân có thể giám sát được.

Phát huy vai trò của người dân giám sát thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai và giám sát thực hiện các chính sách Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Đặc biệt, cung cấp địa chỉ email, số điện thoại, hòm thư tố giác sai phạm để nhân dân có thể phản ánh, tố cáo các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện gói 62 ngàn tỷ đồng này….

Như Báo PNVN đã phản ánh,  ngày 24/4, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTg, quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Quyết định 15 có 7 chương 21 điều, nội dung cơ bản quy định về điều kiện và thủ tục xác nhận cho các đối tượng được nhận hỗ trợ. Với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng dành hỗ trợ khoảng hơn 20 triệu đối tượng được thụ hưởng.

Với người lao động có quan hệ lao động, quy trình xác nhận chủ yếu được thực hiện bởi doanh nghiệp, người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Với các đối tượng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, việc rà soát tổng hợp đối tượng sẽ thực hiện ở cấp huyện, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để có thể rút ngắn thời gian thực hiện.

Với hộ kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, quy trình xác nhận được thực hiện tại cấp xã (có niêm yết công khai) và cơ quan thuế để đảm bảo tính chính xác.

Tất cả các đối tượng nhận hỗ trợ trực tiếp đều phải căn cứ vào danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Phát huy vai trò của người dân giám sát thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Hội viên, cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên tham gia giám sát việc thực hiện gói 62 ngàn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, cụ thể:

Với lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương, thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Với lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm