7 nội dung hỗ trợ dành cho nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19

Bách Việt
26/04/2020 - 08:10
7 nội dung hỗ trợ dành cho nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19
Tôi nghe báo đài nói nhiều về việc Chính phủ quyết định gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Hỏi: Tôi nghe báo đài nói nhiều về việc Chính phủ quyết định gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gia đình tôi hiện có nhiều người đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, cụ thể: Tôi là tiểu thương kinh doanh ngoài chợ phải nghỉ; con trai và con dâu làm nhân viên khách sạn đều phải nghỉ việc. Vậy Chính phủ có quy định các đối tượng nào được hưởng hỗ trợ như thế nào?

                                                                                Nguyễn Thị Trinh (Hạ Long, Quảng Ninh)

Trả lời: Trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết đã nêu lên 7 nội dung hỗ trợ áp dụng cho nhiều đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Cụ thể như sau:

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

Bà có thể căn cứ vào những nội dung trên, đối chiếu với từng trường hợp trong gia đình mình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để liên hệ cơ quan chức năng địa phương chi trả hỗ trợ theo quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm