pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giảm tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đến từng thôn bản ở Điện Biên
Công tác bình đẳng giới được các cấp chính quyền huyện Mường Chà đặc biệt quan tâm
Vợ chồng san sẻ việc nhà
Hiện nay, Hội LHPN huyện Mường Chà có trên 8.000 hội viên sinh hoạt tại 12 cơ sở Hội. Các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới được nhiều chị em hội viên ủng hộ.
Chị Lò Thị Thơm, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, chia sẻ, nhiều năm nay, vợ chồng chị thường xuyên trao đổi về bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Nhờ đó vợ chồng chị đã biết chia sẻ chăm sóc con cái. Người phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động của thôn bản. Chị Thơm cũng thường xuyên trao đổi với các chị em phụ nữ trong thôn về chăm sóc sức khoẻ gia đình, cùng nhau chia sẻ về câu lạc bộ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Bản thân chị Thơm đã có cái nhìn khác về vai trò của phụ nữ. Chồng chị cũng như vậy, anh biết yêu thương, san sẻ với vợ nhiều hơn.
Chị Sùng Thị Máy, Hội LHPN xã Na Sang, huyện Mường Chà, Điện Biên, chia sẻ, Hội thường xuyên tuyên truyền và phổ biến Luật Bình đẳng giới để chị em hội viên và cả nam giới trong xã. Nhờ đó, hiện tượng bạo lực gia đình tại địa phương đã giảm đi rất nhiều.
Theo bà Đoàn Lan Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà, thời gian qua, Hội LHPN huyện xác định vấn đề bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng. Hội thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền tới các hội cơ sở, tuyên truyền tới các hội viện của huyện ở tận thôn bản về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động…, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn, tạo việc làm tăng thu nhập…, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Huyện cũng tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, hội viên làm công tác bình đẳng giới, từ đó làm giảm tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"
58% cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số
Về tuyên truyền, các cấp Hội phụ nữ cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên nâng cao năng lực nhận thức về giới và bình đẳng giới.
Bà Phương cho biết, trong quá trình tuyên truyền, vai trò chi hội ở thôn bản rất hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa phát thanh, tờ rơi), chỉ đạo các tổ hoà giải ở cơ sở thực hiện hiệu quả việc hoà giải, hàn gắn mâu thuẫn của các gia đình. Các chị em tiếp cận với hội viên theo đặc điểm, nguyện vọng phù hợp với điều kiện tại địa phương để hội viên dễ dàng nắm bắt, tuyên truyền các chính sách từ trên.
Hội LHPN huyện Mường Chà cũng thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông tại cộng đồng, toạ đàm, buổi họp chi bộ tổ chức lớp nghiệp vụ của hội lồng ghép về bình đẳng giới. Hội phối hợp với các chương trình vùng tổ chức các hoạt động giao lưu về công tác bình đẳng giới với sự tham gia của cả hai vợ chồng.
Nhờ đó, bình đẳng giới và khẳng định vai trò của phụ nữ trên địa bàn huyện cũng có nhiều chuyển biến. Hiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em đã có nhiều thay đổi. Chị em tự xây dựng gia đình của mình, được chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch cán bộ nữ, tạo nguồn và bồi dưỡng, bố trí đề bạt cán bộ nữ cũng được ưu tiên.
Theo quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Chà có gần 14% cán bộ nữ, Ban Thường vụ huyện ủy có 26% cán bộ nữ. Đối với cấp xã, Ban Chấp hành có tỷ lệ cán bộ nữ gần 25%, Ban Thường vụ tỷ lệ nữ chiếm gần 14%, tỷ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số chiếm 95%.
Chị em phụ nữ là công chức, viên chức hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước cũng biết chủ động phấn đấu hoàn thiện tốt vai trò của mình. Mường Chà có tổng số cán bộ nữ dân tộc thiểu số là trên 650 người, chiếm tỷ lệ trên 58% tổng số cán bộ nữ toàn huyện. Cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số luôn ý thức rõ nhiệm vụ, vai trò của mình trong công tác, chủ động từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tham gia học tập, đào tạo để nâng cao trình độ, đáp ứng tốt nhiệm vụ công việc.