Gian nan hành trình 14 năm “tìm” con

An Khê
23/04/2022 - 11:52
Gian nan hành trình 14 năm “tìm” con

Ảnh minh họa

Suốt 14 năm, sau rất nhiều lần thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và hai lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cuối cùng gia đình anh Nguyễn Văn Bồng và chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hưng Yên) cũng đã được chào đón con yêu.

Khánh kiệt vì con nhưng không bỏ cuộc

Anh Nguyễn Văn Bồng và chị Nguyễn Thị Quỳnh cùng sinh năm 1987 và kết hôn khi 21 tuổi. Cả 2 đều không dùng biện pháp tránh thai nhưng mãi chị Quỳnh vẫn chưa thấy tin vui. Một năm sau khi kết hôn, năm 2009, hai vợ chồng lên Hà Nội thăm khám hiếm muộn nhưng không tìm thấy nguyên nhân. Về nhà, anh chị tìm đến những thang thuốc Nam, thuốc Bắc với hy vọng sẽ có được một mụn con. Sau 2 năm không thấy hiệu quả, anh chị quyết định thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) tại một phòng khám gần nhà nhưng kết quả không như mong muốn.

Năm 2013, anh chị gom góp được chút tiền để quay lại Hà Nội thăm khám và điều trị. Lần này, được bác sĩ tư vấn, gia đình chị Quỳnh tiếp tục thực hiện thụ tinh nhân tạo thêm lần nữa nhưng vẫn thất bại. Chẳng nản lòng, nghỉ ngơi ít lâu, hai vợ chồng lại đến khám ở một bệnh viện khác và cũng được bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI).

"Đối mặt với nhiều lần tưởng như tuyệt vọng, áp lực kinh tế đè nặng trên vai nhưng hai vợ chồng chưa khi nào nghĩ tới việc từ bỏ bởi khao khát tìm con yêu luôn cháy bỏng", chị Quỳnh nghẹn ngào. Vậy là hành trình điều trị của gia đình chị Quỳnh lại tiếp tục với những bài thuốc Đông y. Ông bà ta thường nói "lấy chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn", ấy vậy mà sao anh chị vẫn cứ vất vả, mong một mụn con để vui vẻ cửa nhà sao khó quá. Tiền bạc làm ra cứ đi theo những thang thuốc bổ, những lần khám và điều trị… mà chẳng tới đâu. Năm 2017, một lần nữa, toàn bộ số tiền tích góp được từ đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng đã được dồn cho lần xuống Hà Nội để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lần này, tuy tạo được 4 phôi, chuyển phôi 2 lần nhưng chị Quỳnh vẫn chưa đón được con yêu. Bao nhiêu công sức, nỗ lực của hai vợ chồng cứ như vậy trở thành những giọt nước mắt thất vọng.

Vợ chồng anh Bồng và chị Quỳnh cùng 2 con

Vợ chồng anh Bồng và chị Quỳnh cùng 2 con

3 năm sau, được gia đình động viên, vợ chồng chị Quỳnh quyết định vay mượn người thân một số tiền để tiếp tục hành trình tìm con. Sau khi thăm khám, chị Quỳnh được chẩn đoán mắc polyp buồng tử cung. "Đây là tình trạng phát triển quá mức của lớp niêm mạc tử cung tạo thành các khối polyp lành tính trong lòng tử cung tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại có ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản của phụ nữ", bác sĩ CKI Hồ Văn Thắng, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - người trực tiếp điều trị cho chị Quỳnh - cho biết.

Hạnh phúc đong đầy

Sau quá trình kích trứng, chọc trứng, tạo phôi tại Bệnh viện, chị Quỳnh tạo được 9 phôi. Tuy nhiên, thay vì chuyển phôi ngay, bác sĩ tư vấn chị Quỳnh điều trị polyp buồng tử cung trước. Trải qua quá trình điều trị theo phác đồ của bác sĩ, ngày 26/6/2020, chị Quỳnh chuyển phôi và lần này, may mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng 33 tuổi ấy. "Dường như các con cũng cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ trong những năm qua nên suốt thai kì, hai con rất ngoan" - chị Quỳnh chia sẻ về quãng thời gian mang thai hạnh phúc của mình.

Ngày 3/5/2021, hai bé Nguyễn Hải Đăng (nặng 2,9kg) và Nguyễn Tuệ Lâm (2,3kg) lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Niềm vui đong đầy đã đánh dấu kết thúc hành trình 14 năm tìm con và khởi đầu hành trình mới - làm cha làm mẹ của anh Nguyễn Văn Bồng và chị Nguyễn Thị Quỳnh. Chia sẻ về trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Bồng và chị Nguyễn Thị Quỳnh, bác sĩ CKI Hồ Văn Thắng cho biết: "Polyp buồng tử cung là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây nên vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Các khối polyp có thể có kích thước nhỏ từ vài mm đến kích thước lớn vài cm với số lượng một hoặc nhiều và phân bố ở nhiều vị trí khác nhau trong buồng tử cung dẫn tới cản trở sự di chuyển của tinh trùng trong buồng tử cung; gây biến dạng buồng tử cung, cản trở sự làm tổ và phát triển của phôi. Khi mang thai, các khối polyp này đè và choán chỗ trong buồng tử cung làm tăng nguy cơ chảy máu, sảy thai, sinh non. Chính vì vậy, tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, khối polyp mà bác sĩ sẽ có các chỉ định phù hợp để đảm bảo an toàn cũng như cải thiện sức khỏe sinh sản cho bệnh nhân và gia đình chị Quỳnh là một trong rất nhiều trường hợp đã thành công đón con yêu sau khi điều trị polyp buồng tử cung".

Hai bé Hải Đăng và Tuệ Lâm là thành quả sau nhiều năm vất vả chạy chữa, kiên trì điều trị của gia đình anh Bồng chị Quỳnh. Giờ đây, được ngắm nhìn các con mỗi ngày là niềm vui, hạnh phúc của đôi vợ chồng 8X, giấc mơ về một mái ấm gia đình trọn vẹn có tiếng cười con trẻ nay đã trở thành hiện thực. Câu chuyện của gia đình anh chị chắc hẳn sẽ tiếp theo sức mạnh, niềm tin và nghị lực cho nhiều những ông bố bà mẹ hiếm muộn sớm đón được con yêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm