pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gian nan hành trình làm giàu từ cây tre Việt
Chị Phạm Thị Thanh Hân – HTX Trúc tre VNS Phú Thọ
- Ý tưởng làm ống hút trẻ và các sản phẩm bằng tre của chị xuất phát từ đâu và chị đã trải qua những giai đoạn khó khăn nào để có được thương hiệu sản phẩm như ngày hôm nay?
Thời điểm năm 2019 khắp cả nước đang rộ lên phong trào khởi nghiệp bảo vệ môi trường với các loại ống hút sậy, ống hút cỏ bàng. Tôi ra bờ sông lấy sậy, phơi làm ống hút thì bị teo tóp, lấy tre, hóp làm ống hút thì không sử dụng được bởi đặc ruột, thành dày.
Tìm hiểu ở tỉnh Sơn La có thứ cây mà người dân tộc Thái gọi là "mạy loi" - một loại nứa tép mọc tự nhiên ở những nơi khắc nghiệt nhất, số lượng rất nhiều, mỏng thành, mã đẹp, thân thẳng, dóng dài, nhưng thường chỉ dùng làm hàng rào hay thưng vách nhà.
Tôi đã thu gom về cắt, rửa, mài đầu, luộc, phơi, sấy rồi đóng gói thành ống hút. Nó có thể tái sử dụng nhiều lần, dùng được trong 6 tháng, khắc được tên thương hiệu lên trên nhưng nhược điểm là giá cao, mỗi ống 600 - 800 đồng, đắt gấp 15 lần ống nhựa.
- Đầu ra cho sản phẩm có gặp nhiều khó khăn không khi giá thành cao gấp 15 lần ống hút nhựa như chị vừa chia sẻ?
Rất khó khăn. Ngày ngày, 7 giờ sáng tôi đi xe máy tới chào bán các quán cà phê ở thành phố Việt Trì, Hà Nội, tối 10 giờ lại tất tả về cho các con ăn uống, tổng quãng đường hơn 100km. Chào vài chục quán cả tuần vất vả là thế mà không được đơn đặt hàng nào vì bị chê xấu, thô và đắt, tôi đành để lại cho họ ít sản phẩm để khách trải nghiệm.
Đến khi nhận đơn hàng đầu tiên của một quán ở thành phố Việt Trì với số lượng 10 nghìn ống hút, tôi mừng rơi nước mắt, bảo với chồng: "Vậy là vợ chồng mình có hy vọng rồi". Tôi thuê ô tô tải lên Sơn La nhập nguyên liệu mà trong người chỉ có hơn 100 nghìn đồng, vừa đi vừa nghĩ cách, gọi điện hỏi vay khắp từ người thân đến bạn bè. Đến tối hai vợ chồng mới có tiền để ăn cơm và mua được 8 tấn mạy loi về đủ sản xuất 50 - 60 nghìn ống hút.
Vì ống hút tre là một sản phẩm mới, trong quá trình tiếp thị, bán hàng, vợ chồng tôi cũng bị o ép đủ đường, nào đặt theo kích cỡ riêng với số lượng nhỏ, nào phải cho nợ gối đầu... Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.
- Sau cuộc hành trình gian nan ấy, việc làm ăn của chị bắt đầu khởi sắc vào thời gian nào?
Chúng tôi cứ thế miệt mài vượt qua mọi khó khăn và nước mắt, giới thiệu sản phẩm ở bất kỳ đâu có thể, đồng thời bắt đầu nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Từ khách lẻ đế khách sỉ bắt đầu đặt những đơn lớn hơn 100 triệu đồng để mang xuất khẩu. Chồng tôi thiết kế và lên mẫu còn tôi tìm khách cho nhiều loại sản phẩm mới như thìa tre, bình giữ nhiệt tre, hộp bút tre, trường kỷ tre, bàn ghế tre, ấm chén tre...
Chúng tôi xử lý cây tre, trúc để trang trí hệt như quy trình xử lý ống hút nên tuổi thọ của chúng nếu đặt trong nhà được trên 10 năm, nếu đặt ngoài trời được 5-7 năm. Hiện nay có nhiều nơi như khu camping ở quận 9 (TPHCM), mái ấm Đức Quang ở tỉnh Bến Tre, Cà rốt homestay ở tỉnh Tiền Giang… đều in đậm dấu ấn sản phẩm của VNS.
- Để hoạt động sản xuất kinh doanh được vận hành như hiện nay, chị đã hợp thức hóa sản phẩm của mình ra sao?
Năm 2021 tôi thành lập HTX tre trúc VNS Phú Thọ với 7 thành viên cùng chung chí hướng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Năm 2022 tôi mạnh dạn đem những "đứa con tinh thần" mình đi tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP của tỉnh Phú Thọ.
Nhóm sản phẩm gồm ống hút, dao, thìa, dĩa được OCOP 4 sao, nhóm sản phẩm cốc, hộp chè, ấm chén được OCOP 3 sao, tạo nền móng để xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Ấn Độ. Doanh thu của năm 2023 là hơn 4 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 nhân công địa phương. Với mức lương dao động từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng.
- Xin cảm ơn chị!
Liên hệ: Chị Phạm Thị Thanh Hân – Giám đốc HTX Trúc tre VNS Phú Thọ
Địa chỉ: Khu 14 Đồn điền - Đồng Lương - Cẩm Khê - Phú Thọ
Điện thoại: 0869867698
Link bán hàng: https://www.facebook.com/VNSBAMBOSTRAWS/