pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục về tiêu dùng “xanh” cho học sinh
Cô giáo Lê Thị Hảo, Trưởng nhóm ý tưởng, nhận giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa” năm 2023
Theo cô Lê Thị Hảo, giáo viên trường THCS Quảng Phú, Trưởng nhóm "Trường học xanh", Quảng Phú là một xã ven biển của tỉnh Quảng Bình. Hàng ngày, lượng rác thải nhựa ra môi trường ngày càng nhiều. Theo thống kê, bình quân 1 học sinh hàng ngày thải ra môi trường khoảng 2-3 túi nylon, 1 lon nước hoặc 1 cốc nước nhựa dùng một lần.
Như vậy, bình quân trong 1 ngày, 659 học sinh trường THCS Quảng Phú thải ra môi trường khoảng 1.318 túi nylon và khoảng 659 cốc nhựa/chai nhựa dùng 1 lần. Mặc dù vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông và ở địa phương việc giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa còn rất hạn chế.
Để giúp học sinh hiểu rõ mối nguy hiểm của rác thải nhựa tới môi trường, sức khỏe, nhóm đã triển khai nhân rộng sáng kiến "Tổ chức các hoạt động truyền thông sáng tạo giúp nâng cao nhận thức cho học sinh trường THCS Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình về tác hại của rác thải nhựa, hướng tới tiêu dùng "xanh", giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường".
Điểm khác biệt ở sáng kiến này là sự vận dụng đa dạng các loại hình truyền thông sáng tạo. Cô Lê Thị Hảo cho biết, nhóm đã thực hiện 38 tiết giảng dạy lồng ghép về chủ đề rác thải nhựa, tổ chức "Ngày hội truyền thông" về tác hại của rác thải nhựa và tiêu dùng "xanh" trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp; phối hợp với Đoàn xã, Đoàn Biên phòng Ròn tổ chức tuyên truyền và thực hiện chiến dịch thu gom rác thải nhựa, chung tay làm sạch bờ biển trên địa bàn xã Quảng Phú.
Ngoài ra, nhóm truyền thống gián tiếp bằng cách mở video trong 15 phút sinh hoạt đầu buổi học qua hệ thống tivi của các lớp; mở chương trình phát thanh qua loa phát thanh của nhà trường, đồng thời truyền thông qua loa phát thanh của xã tới 14 thôn; tổ chức các hoạt động ngoại khóa như "Biểu diễn thời trang tái chế từ rác thải nhựa"…
Qua khảo sát cho thấy, nhận thức của học sinh sau truyền thông đã được nâng cao rõ rệt. Trung bình 83,3% tổng số học sinh có hiểu biết về thực trạng của việc sử dụng rác thải nhựa ở địa phương, biết được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe.
Hiện nay, có 70% học sinh tích cực tham gia các hoạt động hạn chế sử dụng nhựa như: không sử dụng đồ hộp ăn sẵn mua đồ ăn sáng tới trường, thay vào đó là ăn sáng ở nhà, ăn tại quán dùng đĩa thủy tinh, ăn bánh mì sử dụng bao bì giấy.
"Trung bình 1 tuần như vậy 461 em đã hạn chế sử dụng được 2.766 hộp đựng đồ ăn sẵn và 2.766 túi nylon. Chỉ trong 2 tháng phát động, số học sinh trong trường đã hạn chế sử dụng được 15.400 hộp đựng đồ ăn sáng bằng chất liệu nhựa dùng 1 lần và 15.400 túi nylon đựng đồ ăn sáng, có 347 em tự mang bình nước cá nhân để đựng nước hàng ngày.
Trong vòng 6 tháng truyền thông và phát động phong trào thu gom rác thải nhựa, các em học sinh đã thu gom và nộp được 300kg nhựa, bán được 3 triệu đồng, mua được 5 thùng đựng rác để phân loại rác thải tại nguồn trong nhà trường", cô Lê Thị Hảo cho biết.
Đặc biệt, nhóm đã phối hợp với Đoàn thanh niên của xã tổ chức được 4 đợt thu gom rác thải nhựa làm sạch 6km bờ biển xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, thu hút sự tham gia của 210 đoàn viên thanh niên trong xã. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên thu hút và thúc đẩy người trẻ chung tay giảm thiểu ô nhiễm nhựa.