Giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục

Phúc Nguyên
27/01/2021 - 22:57
Giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục
Tại phiên thảo luận hôm nay 27/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có bài tham luận về các chuyển biến của giáo dục Việt Nam sau khi thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của đất nước. Trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo viên - nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục.

Quốc tế đánh giáo cao chất lượng học sinh phổ thông của Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN. Trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines), học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát, gồm Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - giáo viên là nhân tố quyết định - Ảnh 1.

Học sinh Việt Nam đoạt nhiều huy chương tại các cuộc thi kiến thức mang tầm quốc tế. Ảnh minh họa

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020. Đây là con số đáng kể so với 27 huy chương vàng trong giai đoạn 2011-2015.

Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Phổ cập giáo dục mầm non đạt gần 100%

Một dấu ấn nữa sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Theo đó, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.

Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường.

Bên cạnh đó, nước ta cũng duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó, 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh).

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - giáo viên là nhân tố quyết định - Ảnh 2.

Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non đạt gần tuyệt đối 100%, theo Bộ GD&ĐT. Ảnh minh họa

"Trong bối cảnh là nước có thu nhập thấp, nhiều khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, giao thông cách trở, việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời, tạo tiền đề quan trọng để các em bước vào các bậc học tiếp theo" – tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Bên cạnh những thành tích ngành giáo dục đạt được sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến các hạn chế, bất cập, trong đó có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Nhấn mạnh đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.

Ngành cũng rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm. Cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương theo "mô hình vệ tinh" với các trường đại học sư phạm trọng điểm.

Bộ GD&ĐT xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, bảo đảm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Cơ chế trên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Đồng thời, tiếp tục chuẩn hóa giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo các vị trí chức danh, xây dựng lộ trình và thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và thực hiện bồi dưỡng đội ngũ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - giáo viên là nhân tố quyết định - Ảnh 3.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa

Liên quan đến đội ngũ giảng viên đại học, ông Nhạ khẳng định sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước. Những giải pháp trên gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, ngành có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm