pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giới trẻ Nhật Bản "quay lưng" với văn hóa làm việc quá sức
![Giới trẻ Nhật Bản "quay lưng" với văn hóa làm việc quá sức](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/10/nguoi-tre-nhat-quay-lung-517363-1739167962476683878096-16-0-379-580-crop-17391679679382024386367.jpg)
Ảnh minh họa
Làm việc ít giờ hơn
Theo phân tích của Takashi Sakamoto, nhà nghiên cứu tại Viện Recruit Works, số giờ làm việc trung bình tại Nhật Bản đã giảm 11,6% trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 1.839 giờ vào năm 2000 xuống còn 1.626 giờ vào năm 2022, ngang bằng với nhiều quốc gia châu Âu.
Trong báo cáo "Nền kinh tế thực của Nhật Bản" được công bố vào tháng 11/2024, Sakamoto chỉ ra rằng, nhóm nam giới trong độ tuổi 20 làm việc trung bình 46,4 giờ/tuần vào năm 2000. Con số này đã giảm xuống còn 38,1 giờ/tuần vào năm 2023.
Giáo sư Makoto Watanabe, chuyên gia truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, nhận xét: "Giới trẻ ngày nay quyết định rằng họ không muốn hy sinh bản thân cho công ty. Tôi nghĩ đây là một quyết định sáng suốt".
Khác với cha mẹ của họ - những người sẵn sàng làm việc nhiều giờ để đổi lấy sự ổn định, giới trẻ Nhật Bản hiện nay ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời từ chối điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Karoshi từ lâu đã là vấn đề nhức nhối và sẽ rất đáng mừng nếu con số tử vong vì làm việc quá sức giảm. Nếu giới trẻ hạnh phúc hơn vì làm việc ít giờ hơn và có sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, thì hy vọng này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực”.
Izumi Tsuji, nhà xã hội học tại Đại học Chuo Tokyo
"Vào những năm 1970 và 1980, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, làm việc nhiều có nghĩa là kiếm được nhiều tiền hơn, điều đó khiến công sức bỏ ra trở nên xứng đáng. Nhưng bây giờ thì không còn như vậy nữa", Watanabe giải thích.
Thay đổi trong thị trường lao động
Tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản đã mang đến cho người lao động trẻ một lợi thế: khả năng đàm phán. Các công ty đang thiếu nhân sự đến mức phải tiếp cận sinh viên đại học từ sớm, thậm chí trước khi họ tốt nghiệp, để đảm bảo tuyển dụng được nhân tài.
Đối với những nhân viên cảm thấy mình phải làm việc quá sức hoặc không được đánh giá cao, việc tìm một công việc mới không khó.
Giáo sư Watanabe nhận xét: "Người trẻ ngày nay không chấp nhận bị bóc lột. Họ sẵn sàng nghỉ việc, vì biết rằng trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực có trình độ, họ có thể nhanh chóng tìm được một công việc khác".
Sự thay đổi còn được phản ánh qua mức lương. Theo báo cáo của Takashi Sakamoto, dù làm việc ít giờ hơn, mức lương trung bình của người lao động ở độ tuổi 20 đã tăng 25% kể từ năm 2000. Đồng thời, số lượng công ty yêu cầu làm thêm giờ mà không trả lương đã giảm đáng kể.
Izumi Tsuji, nhà xã hội học tại Đại học Chuo Tokyo và là thành viên Nhóm nghiên cứu thanh niên Nhật Bản, cho rằng mục tiêu chính của thế hệ trẻ không phải là tham vọng mà là sự ổn định.
"Người trẻ ngày nay thấy khó có thể mơ mộng về tương lai. Vì vậy, họ chỉ mong muốn sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày. Họ không còn chạy theo những tham vọng mà chỉ mong kiếm đủ tiền để sống thoải mái và không lo lắng", Izumi Tsuji nói.
Tuy nhiên, tư duy mới này đã gây khó chịu cho người lao động lớn tuổi, những người đã vất vả xây dựng sự nghiệp. Theo Tsuji, nhiều nhà quản lý ở độ tuổi 50 và 60 phải khéo léo tránh làm mất lòng đồng nghiệp trẻ do họ ngày càng nhạy cảm với việc bị ép làm thêm giờ.
Dẫu vậy, thay đổi trong văn hóa lao động này cũng mang đến tín hiệu tích cực. Tình trạng "karoshi" vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản. Năm 2022, có 2.968 trường hợp tự tử liên quan đến làm việc quá sức, tăng so với 1.935 trường hợp của năm trước, theo báo cáo của chính phủ.
Trong năm 2023, có 54 trường hợp tử vong được ghi nhận do các vấn đề sức khỏe liên quan đến làm việc quá sức, như đột quỵ và đau tim. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.