Giữa ‘ma trận’ hàng giả, hàng nhái: Thật khó để làm ‘người tiêu dùng thông thái’

07/05/2018 - 16:15
Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng thắc mắc về không ít mặt hàng có dấu hiệu “mập mờ” về xuất xứ. Chiêu trò “hoán đổi quốc tịch”, một sản phẩm có tới 2-3 nhãn ghi xuất xứ khác nhau diễn ra khá phổ biến. Tinh vi hơn, một số doanh nghiệp còn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm ở một số nước được người tiêu dùng tin tưởng để đánh lạc hướng khi khách hàng truy xuất nguồn gốc.
Chị Thanh Nga, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, kể: Mới đây, chị đưa cô con gái 12 tuổi ra một cửa hàng dụng cụ thể thao mua đôi giày tập tennis. Vì rất cưng con, nên mặc dù gia cảnh không phải là dư dả, chị vẫn quyết định mua cho con một đôi giày “hàng hiệu”. Sau khi rảo qua một vòng 4-5 cửa hàng, chị dừng lại ở một cửa hàng khá lớn trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1).
 
20-13.jpg
Ảnh minh họa

 

Người bán hàng đưa ra giới thiệu gần chục đôi, hình thức đều rất đẹp, đều mang những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas... nhưng mức giá dao động từ 800.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng. Vừa chọn, vừa nghe người bán hàng “tư vấn”, cuối cùng chị chọn một đôi Adidas có giá 2,2 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ sau 2 tuần sử dụng, đôi giày đã bị bung keo ở nhiều chỗ.
 
Chị đưa ra cửa hàng đề nghị bảo hành thì được trả lời: Ở đây chỉ bán, không bảo hành. Chị tìm đến điểm bảo hành chính hãng, thì nhân viên kỹ thuật ở đó chỉ mới nhìn qua đã khẳng định, đây là giày giả nhãn hiệu, không phải hàng chính hãng!
 
Một trường hợp khác, chị Minh Tâm, ngụ tại quận Bình Thạnh, gần đây ra một cửa hàng ở khu chợ Tôn Thất Đạm mua mỹ phẩm. Chị cho biết đây là khu vực chuyên bán các mặt hàng “xách tay” ở nước ngoài về, nên được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm. “Vì là hàng “xách tay” nên giá các sản phẩm thường đắt hơn những nơi khác 20%-50%.
 
Nhưng nghĩ rằng “tiền nào của nấy”, thà đắt một chút nhưng sử dụng đảm bảo chất lượng, nên những người “có điều kiện” cũng chẳng sá gì”, chị chia sẻ. Bữa đó, chị mua một hộp phấn, ống kem lót có chức năng dưỡng da và 1 thỏi son thương hiệu nổi tiếng, tổng cộng hơn 5 triệu đồng.
 
Thế nhưng, khi vừa sử dụng, chị đã nhận thấy có sự “bất thường” so với những sản phẩm chị đã sử dụng trước đó: Phấn không tạo cảm giác mịn, mượt; kem khi thoa lên mặt có cảm giác hơi “thô”, còn son thì không thật màu. Chưa hết, dùng được vài ngày, da mặt chị bắt đầu có hiện tượng dị ứng, nổi mẩn ngứa rất khó chịu. Biết là mua trúng đồ dỏm nhưng chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì chẳng biết bắt đền ai.
 
2.jpg
Ảnh minh họa
 
Đó là ở thị trường thành phố, còn nếu có dịp về các vùng nông thôn, mới cảm nhận rõ “sức nóng” của hàng giả trên thị trường ra sao. Có lần, người viết đi cùng chị Thu Thảo, một Việt kiều sống ở Thái Lan từ nhỏ, đến một vùng quê thuộc huyện biên giới Đức Huệ, tỉnh Long An. Chị Thảo có sở thích “lùng sục” các chợ, nhất là chợ quê - nơi mà chị cho rằng có rất nhiều điều thú vị. Sau khi bỏ hẳn một ngày để đến 3 khu chợ ở các thị tứ, điều khiến chị ngạc nhiên là “tại sao ở đây bán nhiều mặt hàng của Thái Lan với giá rẻ đến... không ngờ?”.
 
Đơn cử mặt hàng dầu gội Clear do Unilever Thái Lan sản xuất, giá bán ở Thái Lan là 200 bath (khoảng 140.000 đồng) nhưng tại chợ này chỉ có giá 80.000 đồng. Hàng chục món hàng gia dụng khác cũng gắn mác “Made in Thailand” nhưng giá bán rẻ hơn khá nhiều so với thị trường Thái. “Kể cả nhập lậu cũng không thể có giá rẻ như vậy được, nên chỉ có thể là... hàng giả”, chị Thảo kết luận.
 
Nhiều phương thức mới tinh vi hơn 
Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng thắc mắc về không ít mặt hàng có dấu hiệu “mập mờ” về xuất xứ. Ví dụ, ở một số đại siêu thị hay siêu thị điện máy, không khó để tìm thấy những sản phẩm mang thương hiệu “lạ hoắc”, có tới 2-3 nhãn ghi xuất xứ với thông tin không đồng nhất. Ví dụ, hàng được giới thiệu là “thương hiệu Thái” hoặc “thương hiệu Malaysia” nhưng được gia công ở... Trung Quốc.
 
Qua tìm hiểu, được biết có một số công ty trong nước đặt gia công hoặc mua sản phẩm ở Trung Quốc, đồng thời lập một văn phòng ở Thái Lan hoặc Malaysia để lấy chứng nhận xuất xứ. Như vậy, những mặt hàng được làm ở Trung Quốc nghiễm nhiên mang xuất xứ Thái Lan hoặc Malaysia khi được đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.
 
Tinh vi hơn, một số doanh nghiệp còn đăng ký nhãn hiệu sản phẩm ở một số nước thuộc khối EU, lập hẳn trang web với tên miền ".eu", nên kể cả khi khách hàng lên mạng để truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm vẫn cho thấy là “xuất xứ từ EU”. Nhưng thực ra những sản phẩm này được sản xuất ở Trung Quốc, nhiều khi là bởi những cơ sở nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm khá tồi.
 
Về vấn đề này, ông Kiều Nghiệp, Trưởng phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường TPHCM, nhìn nhận tình trạng hàng giả và kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp. Đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có cả sự tham gia của nước ngoài. Có sự cấu kết từ sản xuất cho đến phân phối sản phẩm vi phạm, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó cơ quan chức năng...
 
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam cho biết, tình trạng mỹ phẩm giả, lậu đang tràn lan trên thị trường, nhiều nhất là ở các chợ. Chợ Kim Biên (TPHCM) được xem là “thủ phủ” của mỹ phẩm giả.
 
“Mặc dù kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng thật của người tiêu dùng hiện có phần “khá” hơn trước nhưng vẫn có nhiều người bị “dính bẫy”, nhất là nhóm người tiêu dùng ở nông thôn và người lao động nghèo ở khu vực thành thị.
 
Hơn nữa, việc phản ảnh, khiếu nại lên cơ quan chức năng còn khá nhiêu khê, cơ chế xử phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là không rõ ràng, mức xử phạt còn quá nhẹ, nên hầu hết người mua nhầm hàng giả đều chọn cách giữ thái độ im lặng, cam chịu.
 
Vì vậy, vấn nạn hàng giả cho đến giờ vẫn là thách đố rất lớn, là vấn đề rất nan giải không chỉ đối với riêng người tiêu dùng mà còn đối với cả hệ thống cơ quan chức năng”, một số luật sư ở TPHCM cùng chia sẻ quan điểm.
 

Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ, trong đó 278 vụ giả chất luợng và công dụng; 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 395 vụ giả tem, nhãn, bao bì hàng hóa; 608 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 15.067 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa.

Những mặt hàng vi phạm nổi cộm là bột ngọt, bánh - mứt - kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, đông dược, tân dược, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng, quần áo, điện tử.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm