pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góp ý sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Cần quy định trách nhiệm riêng của Hội LHPN Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại hội thảo
21,3% đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực là người thân trong gia đình
Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức vào sáng nay (17/3), một số chuyên gia về lĩnh vực gia đình cho rằng, chúng ta cần có một luật có sức nặng hơn, đối với các hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, với các vụ việc vi phạm xâm hại trẻ em nghiêm trọng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đều lên tiếng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và bằng văn bản kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xậm hại trẻ em" (Báo cáo Quốc hội) từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại, trong đó bạo lực với trẻ em là 857 em, chiếm 9,48% tổng số trẻ em bị xâm hại. 21,3% đối tượng có hành vi xâm hại, bạo lực là người thân trong gia đình.
"Nếu tính cả hình thức "bỏ rơi" thì con số trẻ em bị xâm hại rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn. Điều đáng lo ngại là, theo nhận định của báo cáo "còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác..., công tác theo dõi, thống kê chưa được quan tâm đúng mức. Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, việc quy định trách nhiệm riêng của Hội LHPN Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết.
Chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết và khả thi
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết thêm, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Hội thực hiện trách nhiệm thu thập thông tin, kiến nghị của trẻ em, của tổ chức xã hội về việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình. Hỗ trợ trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ (truyền thông các địa chỉ tiếp nhận tin báo, Phiên tòa giả định...).
Vận động, hỗ trợ hội viên tích cực tham gia phòng chống BLGĐ với trẻ em trong phát hiện, tin báo kịp thời. Tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc BLGĐ với trẻ em chuyển đến có quan có thẩm quyền để giải quyết. Phát biểu chính kiến, kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi văn bản đến cơ quan nhà nước về việc trẻ em bị bạo lực gia đình, kết hợp tư vấn về biện pháp phòng ngừa.
Phát biểu tại hội thảo, luật sư Lê Thị Ngân Giang, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cũng nêu một số ý kiến về việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Luật sư Lê Thị Ngân Giang cho rằng, mặc dù hiện tại Luật có một số điểm bất cập nhưng sau gần 14 năm thi hành Luật đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Vì vậy, chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết và khả thi.
Việc đưa "Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư" lên vị trí số 1 trong số các "Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình" cần được nghiên cứu thêm vì hiệu quả hoạt động của các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hiện nay không cao.
Xác định vị trí của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng như Dự thảo Luật ngày 25/2/2022 chỉ thực sự hiệu quả nếu có "quy định cứng" rằng công an cấp xã là người bảo vệ địa chỉ tin cậy ở cộng đồng khi có nạn nhân đến tạm lánh và mỗi xã, phường, thị trấn chỉ xây dựng 1 địa chỉ tin cậy.