Góp ý sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Không sử dụng hòa giải như giải pháp chủ chốt

Nguyễn Long
17/03/2022 - 11:37
Góp ý sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Không sử dụng hòa giải như giải pháp chủ chốt

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo

Luật phòng chống bạo lực gia đình được ban hành từ năm 2007. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì luật đã và đang cho thấy sự tồn tại của một số quy định còn bất cập cần phải sửa đổi.

Cứ 3 phụ nữ có hơn 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục

Ngày 17/3, Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ trì hội thảo có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam; bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam.

Tham dự hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang và một số các chuyên gia về lĩnh vực gia đình.

Góp ý sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Không sử dụng hòa giải như giải pháp chủ chốt - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, với vai trò là một tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho quyền bình đẳng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định trách nhiệm của mình trong phòng chống bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Từ khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành (năm 2007), nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Theo điều tra bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ có hơn 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Tình hình bạo lực gia đình nêu trên ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, cản trở sự nghiệp tiến bộ, phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới mà Việt Nam đang cố gắng phấn đấu thực hiện.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: quy định của luật còn thiếu, chưa đầy đủ, Trước những bất cập về mặt pháp lý, về mặt thực tiễn và yêu cầu của việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết.

Để giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm căn cứ góp ý phản biện xã hội, đề xuất bổ sung sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình theo đúng quy định, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu, góp ý sâu một số quy định của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em.

Hạn chế "kết án" bằng cách phạt tiền

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được thực thi 14 năm và đang bộc lộ một số quy định bất cập. Nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân.

Sửa đổi luật phòng, chống bạo lực gia đình: Không sử dụng hòa giải gia đình như giải pháp chủ chốt - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phát biểu

Thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Chưa có các quy định cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng có một số nội dung cụ thể cần xem xét, nghiên cứu sửa, đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình, đó là: Cần làm rõ mục đích của luật, ngăn ngừa mọi hình thức bạo lực gia đình và không bao gồm mục đích thứ cấp là duy trì hạnh phúc và mối đoàn kết gia đình.

Đảm bảo các biện pháp bảo vệ cho phép chấm dứt bạo lực ngay lập tức, bao gồm cả việc gia tăng thời hạn hiện tại của Lệnh cấm tiếp xúc. Đảm bảo rằng thủ phạm bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạo lực gia đình.

Các biện pháp giải quyết bạo lực gia đình trong luật mới chỉ tập trung vào hòa giải với mục tiêu cuối cùng là hàn gắn và hòa hợp trong gia đình và áp dụng xử phạt hành chính bằng tiền thay vì kết án (biện pháp này thường tác động tiêu cực đến nạn nhân vì tiền nộp phạt thường là tiền của cả gia đình, chứ không phải tiền, tài sản của riêng thủ phạm).

Quy định rõ rằng các chương trình giáo dục thay đổi hành vi tâm lý-xã hội cho người gây bạo lực thể chất phải được thực hiện như một phần nhưng không thay thế hình phạt. Không sử dụng hòa giải gia đình như là một giải pháp chủ chốt của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Hạn chế việc sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho việc kết án và cần quy định rằng bất kỳ một khoản xử phạt bằng tiền nào (là một phần của hình phạt) phải là từ tài sản trực tiếp của thủ phạm, chứ không phải từ ngân sách của gia đình.

Các văn bản hướng dẫn dưới Luật phòng, chống bạo lực gia đình phải nhất quán với Luật này, bãi bỏ bất kỳ điều khoản mâu thuẫn nào và đảm bảo rằng các biện pháp xử phạt phải phù hợp với luật, Luật Hôn nhân & Gia đình và Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm