TS Khuất Thu Hồng: "Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình"

Đinh Thu Hiền (thực hiện)
10/01/2022 - 16:02
TS Khuất Thu Hồng: "Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình"

Ảnh minh họa

Đất nước đối mặt với khủng hoảng của dịch bệnh nhưng tội phạm bạo hành phụ nữ và trẻ em vẫn phổ biến. Vậy trách nhiệm xã hội ra sao, ở đâu? Sau đây là cuộc bàn luận, nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề này của PV Báo PNVN và TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

111 - Tổng đài hỗ trợ trẻ em - phải là con số nằm lòng của mọi đứa trẻ

+ PV: Thưa bà, trong suốt năm qua, dịch bệnh và các biện pháp giãn cách khiến cuộc sống đời thường của người dân bị tác động. Tuy vậy, các vụ phạm tội nhắm vào 2 đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em vẫn xảy ra khá phổ biến. Nhìn ở góc độ phổ quát, bà đánh giá thế nào về trách nhiệm xã hội trong các vụ việc này?

TS Khuất Thu Hồng: "Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình" - Ảnh 1.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

TS Khuất Thu Hồng: Dù có biện minh rằng dịch bệnh với mức độ chưa từng có tiền lệ đã thu hút toàn bộ tâm trí và sức lực của cả xã hội thì cũng không thể làm giảm bớt trách nhiệm của mỗi chúng ta trước tình trạng bạo lực gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em trong thời gian qua. Có những thước phim về những bà mẹ vượt cạn giữa "cơn cuồng phong" của dịch bệnh khiến hàng triệu khán giả nước nhà rơi lệ. Còn những đứa trẻ sinh ra trong những ngày đó nhận được vô vàn những lời chúc phúc. Nhưng bao nhiêu người nghĩ đến những phụ nữ và những đứa trẻ bị đánh đập, bị bỏ đói, bị hành hạ đến chết ở ngay chính nhà mình? Bao nhiêu người nghĩ đến sự vô lý đến tàn nhẫn rằng có những người phụ nữ và những đứa trẻ không bị tổn thương hay tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm mà lại bị đánh chửi, bị giày vò, thậm chí mất mạng dưới tay của chính những người thân của mình? Nếu nói chúng ta có truyền thống đoàn kết để chống kẻ thù từ bên ngoài và Covid-19 cũng là một kẻ thù như vậy thì cũng cần phải nói rằng, chúng ta có khi đã bỏ qua mối hiểm nguy hàng ngày đe dọa sự bình an, nhân phẩm và tính mạng của phụ nữ và trẻ em! Bởi lẽ, Covid-19 là kẻ thù chung, còn bạo hành gia đình lại là chuyện riêng - "đèn nhà ai nấy rạng" mặc họ  "đóng cửa bảo nhau", vì coi chừng "chẳng phải đầu lại phải tai". Nền văn hóa của chúng ta bảo vệ gia đình nhưng không bảo vệ cá nhân. Còn luật pháp thì có quy định trách nhiệm của đủ các thiết chế trong việc phát hiện bạo lực gia đình, báo cáo vụ việc, hỗ trợ nạn nhân… Tuy nhiên lại không hề có quy định nào về trách nhiệm của người hay thiết chế biết các vụ việc bạo hành ấy mà không có bất cứ hành vi nào báo với các cơ quan chức năng.

+ PV: Chúng ta đã có nhiều hội thảo, các đoàn thể, tổ chức chính trị và các hội nhóm thiện nguyện tự phát cũng có nhiều hoạt động. Vậy theo bà, xã hội đã "khuyết" điều gì và cần lấp đầy như thế nào để việc bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em giảm bớt như kỳ vọng?

TS Khuất Thu Hồng: Vâng, chúng ta hội họp rất nhiều, rồi chương trình này, chiến dịch nọ, quanh năm nhưng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không giảm. Chúng ta cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Bạo lực gia đình phải là vấn đề xã hội, không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình. Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh không phải là một đứa con nhà ai đó bị đánh mà là một thành viên của xã hội bị đánh. Cha mẹ bạo hành con không phải là dạy con mà là đang vi phạm quyền trẻ em. Pháp luật cũng phải tăng cường các chế tài để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc phát hiện, tố giác và can thiệp khi chứng kiến bạo lực. Trẻ em ngay khi biết nói đã phải được trang bị kiến thức về quyền của mình, về dịch vụ và các cơ sở hỗ trợ khi cần thiết. Con số 111 - Tổng đài hỗ trợ trẻ em - phải là con số nằm lòng của mọi đứa trẻ ở đất nước này. Trẻ em phải được trang bị kỹ năng sống và kỹ năng sống sót. Loại kiến thức và kỹ năng này trẻ phải được dạy trước khi học đánh vần. Cha mẹ khi chuẩn bị sinh con phải được kiểm tra kiến thức về quyền trẻ em và các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ… Các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ gia đình… cần phải được khuyến khích phát triển. Trẻ em không chỉ được nuôi bằng sữa và thịt mà còn cần được yêu thương và tôn trọng. Đã đến lúc chúng ta phải nâng niu từng đứa trẻ vì mức sinh có vẻ như đang lao dốc và tỷ lệ già hóa thì đang phi mã.

TS Khuất Thu Hồng: "Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình" - Ảnh 2.

111 - Tổng đài hỗ trợ trẻ em - phải là con số nằm lòng của mọi đứa trẻ

Khó có thể thực hiện đơn giản vấn đề phức tạp

+ PV: Nghe khái niệm "Trách nhiệm xã hội" khá trừu tượng, về tâm lý có thể mang tới hiện tượng ai cũng nghĩ là người khác đã làm, sẽ làm, chứ không phải mình. Bà nhìn nhận về điều này ra sao?

TS Khuất Thu Hồng: Muốn "trách nhiệm xã hội" không phải là từ trừu tượng thì phải làm rõ "trách nhiệm" là những gì, "xã hội" là những ai. Quy định từng trách nhiệm thật chi tiết, rõ ràng trong luật, trong nghị định, trong hương ước, nội quy, cho từng người, từ trẻ em, đến cha mẹ, người thân, thầy cô, các cán bộ trong các cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương … Nói nôm na, mỗi người đều phải có một bản giao việc. Kèm với bản giao việc là các chế tài xử lý từng cá nhân nếu không hoàn thành từng trách nhiệm đã được quy định. Ngoài ra, phải xây dựng được một nền văn hóa mà trách nhiệm xã hội ý thức đến từ lương tâm của mỗi cá nhân. Tôi nghĩ, nếu đầu tư tâm trí và công sức những điều nêu trên đều có thể làm được. Chỉ sợ tâm lý "khó lắm, không làm được đâu" hoặc "ai đó làm chứ không phải tôi" hoặc "còn nhiều việc cấp thiết hơn ngoài kia" hay "có thế nào thì mới bị đánh chứ", rồi thủ phạm "có nhân thân tốt, sống hòa đồng với hàng xóm"…

+ PV: Một sự vụ xảy ra với phụ nữ và trẻ em mà cả xã hội quan tâm nhưng để giải quyết cái gốc của vấn đề vẫn là bài toán khó giải trong điều kiện "con kiến leo cành đa". Là chuyên gia về nhận thức xã hội, bà thấy chúng ta cần phải làm điều gì để thay đổi điều này, một cách đơn giản nhất?

TS Khuất Thu Hồng: Khó mà nói về vấn đề to lớn và phức tạp này một cách đơn giản nhất. Nhưng nếu nói đến tận gốc rễ của vấn đề thì theo tôi, bấy lâu chúng ta quá chú trọng chiến lược tăng trưởng kinh tế mà lơ là chiến lược phát triển xã hội, phát triển con người. Để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần ít nhất 4 vấn đề: Thứ nhất, đầu tư vào giáo dục con người, không phải giáo dục kiểu nhồi nhét kiến thức để trở thành một cái máy tính luôn lỗi thời mà là giáo dục để thành người có kỹ năng sống; Thứ hai, đầu tư vào các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ giải quyết bạo lực và hỗ trợ nạn nhân, đừng "tiết kiệm" và che đậy bằng phương pháp hoà giải; Thứ ba là tăng cường pháp luật và thực thi pháp luật như đã đề cập ở trên - tức là làm thật, xử thật. Thứ tư là truyền thông để thay đổi nhận thức rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn xã hội và giải quyết vấn nạn này không phải chỉ trong phạm vi gia đình đằng sau cánh cửa đóng kín mà phải là của một hệ thống có trách nhiệm. Còn truyền thông như thế nào để đạt đến điều đó thì bạn hãy đi hỏi các chuyên gia về truyền thông. Tất cả những việc này phải thực hiện song song chứ không phải lần lượt. Tất cả phải nằm trong khuôn khổ của một chiến lược chung về phát triển con người, phát triển xã hội.

+ PV: Với cách đánh giá của bà, việc vận hành xã hội cần phải chuyển mình ra sao, để trách nhiệm xã hội đối với các vụ việc bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em được nâng lên tối đa và hữu hiệu?

TS Khuất Thu Hồng: Sau vụ việc cháu bé V.A 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành tới chết - mong cháu yên nghỉ - tôi thấy một làn sóng phẫn nộ trên truyền thông đại chúng và trên mạng xã hội. Tôi mong muốn làn sóng đó mạnh mẽ hơn nữa và được định hướng để tạo ra sự "chuyển mình" như bạn nói hay là dẫn đến sự thay đổi có ý nghĩa. Tôi ước mỗi người viết trên báo hay trên mạng xã hội ngầm thêm một dòng cho chính mình rằng bản thân sẽ thay đổi như thế nào: trong việc dạy con, cháu, học trò, hay mình sẽ hành động như thế nào khi chứng kiến một đứa trẻ bị bạo hành. Hãy tâm niệm phải làm gì đó để nỗi đau này thực sự tan đi và không bao giờ trở lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm