Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tư

D.H
21/07/2021 - 17:37
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tư
Đó là một trong những nội dung nằm trong lộ trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội khóa XV dự kiến phân bổ, xem xét trong năm 2022. Cùng với đó, Quốc hội điều chỉnh một số chương trình xây dựng luật pháp lệnh trong năm 2021.

Tiếp tục phiên làm việc, chiều nay 21/7, UBTVQH trình trình Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH thống nhất lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật.

Cơ quan này cũng thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, bổ sung, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) thông qua 01 dự thảo Nghị quyết; Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021)  thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến 05 dự án luật khác.

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào kỳ họp thứ tư - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc này cần đảm bảo định hướng ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến đặc thù hoạt động của Quốc hội, quỹ thời gian, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, cần chú trọng tính gối đầu của Chương trình để sắp xếp số lượng luật cho phù hợp. Đặc biệt, không bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội; không trình những dự án chưa bảo đảm chất lượng, không bảo đảm hồ sơ theo quy định.

"Việc đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế để thúc đẩy sự phát triển nhưng không tạo ra những khó khăn phức tạp mới trong hệ thống pháp luật và trong quá trình thực hiện" – ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Các dự án Luật cụ thể dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022 theo từng kỳ họp bao gồm:

- Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đồng thời, cho ý kiến 5 dự án luật khác, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến đối với 5 dự án luật, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm