Hà Giang: Phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, loại bỏ rác thải nhựa

Phùng Thương (Hội LHPN tỉnh Hà Giang)
03/06/2020 - 16:30
Hà Giang: Phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, loại bỏ rác thải nhựa

Ảnh minh họa

Những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; qua đó vận động mỗi chị em hội viên người dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chung sức loại bỏ rác thải nhựa, bảo vệ môi trường…

Hưởng ứng Phong trào "Chống rác thải nhựa" do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động; Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ các dân tộc về tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích được đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia hưởng ứng, từng bước làm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nylon, đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong triển khai phong trào, hằng năm Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể đến các cấp Hội; trong đó, mỗi cơ sở tổ chức ít nhất 1 hoạt động, sự kiện hoặc mô hình về thực hiện Phong trào "Chống rác thải nhựa", bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép trong các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, Hội nghị báo cáo viên, trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và cung tài liệu cho đội ngũ cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, CLB, truyền thông chợ phiên, trường học và các buổi tọa đàm kỷ niệm ngày 8/3, 20/10 các cấp Hội đã tổ chức được 2.066 cuộc tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon trong mua bán, trao đổi hàng hóa, khuyến khích chị em sử dụng làn, túi vải, đeo quẩy tấu khi đi chợ.

Hà Giang: Để mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, loại bỏ rác thải nhựa - Ảnh 1.

Hội LHPN xã Xuân Minh ra mắt Tổ Phụ nữ đeo quẩy tấu đi chợ

Đồng thời chú trọng tuyên truyền vận động chị em phụ nữ tiểu thương, chị em đi bán hàng tại chợ dùng lá chuối, lá dong sẵn có tại địa phương để gói thực phẩm, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon đã nâng cao nhận thức cho chị em từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nylon trong cuộc sống.          

Bên cạnh việc tuyền truyền, nhiều cơ sở Hội đã tổ chức cho hội viên ký cam kết thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình và sử dụng làn, túi, đeo quẩy tấu đi chợ và để Phong trào "Chống rác thải nhựa" đi vào chiều sâu, hiệu quả Hội LHPN các cơ sở đã thành lập và ra mắt được 48 tổ phụ nữ xách làn/túi/đeo quẩy tấu đi chợ; 89 nhóm"Phụ nữ thu gom rác thải"; 88 tuyến đường "Phụ nữ nói không với rác thải"; 96 đoạn đường "Phụ nữ tự quản" và  tổ chức được 2.006 buổi tổng vệ sinh môi trường tại cụm dân cư đã góp phần giữ gìn mỹ quan môi trường xanh - sạch - đẹp. 

Hà Giang: Để mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi thói quen, loại bỏ rác thải nhựa - Ảnh 2.

Hội LHPN xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên ra mắt "Tổ phụ nữ xách làn đi chợ"

Chị Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội LHPN Vị Xuyê,  cho biết sau gần 2 năm triển khai Phong trào "Chống rác thải nhựa". Đến nay 24/24 xã, thị trấn của huyện đã thành lập các mô hình, tổ nhóm chống rác thải nhựa, vệ sinh môi trường và cũng đơn vị đứng đầu trong toàn tỉnh có nhiều tổ Phụ nữ xách làn/túi đi chợ; để khích lệ chị em hưởng ứng phong trào, Hội LHPN huyện đã vận động xã hội hóa mua tặng cho các cơ sở Hội 1.260 chiếc làn nhựa. Đặc biệt là khi chưa có dịch bệnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tổ chức ra mắt các tổ "Phụ nữ xách làn, túi đi chợ" tại các buổi họp chợ phiên đã tạo được sự quan tâm hưởng ứng của chị em phụ nữ và người dân trong cộng đồng.         

Tuy nhiên, để phong trào "Chống rác thải nhựa" tiếp tục lan tỏa sâu rộng, có hiệu quả lâu dài, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là mọi người dân trong cộng đồng cùng hành động "Nói không với sản phẩm nhựa và túi nylon sử dụng 1 lần" góp phần bảo vệ môi trường sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm