pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Nhiều hộ dân thôn Nhân Lễ sống "treo" cùng dự án đường giao thông
Ông Oánh cùng 36 hộ dân khác hơn 30 năm qua chưa được cấp sổ đỏ
Mua đất hợp pháp nhưng không được làm sổ đỏ
Từ năm 1992 đến năm 1994, khi biết tin UBND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tiến hành phân lô, bán nền diện tích đất chạy dọc bờ sông Nghĩa Giang, ông Bùi Sỹ Oánh (trú tại thôn Nhân Lễ) cùng 79 hộ dân khác đã hoàn tất thủ tục mua bán và được giao chính quyền xã giao đất.
Theo ông Oánh, thời điểm đó, việc mua bán giữa các hộ dân và chính quyền xã Đặng Xá được xác nhận thông qua một tờ phiếu thu viết tay có chữ ký và đóng dấu của cán bộ phụ trách kế toán và lãnh đạo xã.
Tuy nhiên, khi gia đình có nhu cầu xây dựng nhà kiên cố để sinh sống, ông Oánh đến xin phép chính quyền thì không được chấp nhận do diện tích đất được ông mua trước đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Không chỉ ông Oánh mà 36 hộ dân khác cũng bị rơi vào tình trạng tương tự. Thắc mắc với chính quyền xã khi ấy, ông Oánh cũng như người dân nhận được lời hứa hẹn diện tích đất được mua sẽ sớm được cấp.
Thế nhưng từ đó đến nay, hơn 30 năm, qua 3 đời Chủ tịch UBND xã mà gia đình ông Oánh và những hộ dân khác vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Một điều khiến ông Oánh cũng như nhiều hộ dân ở thôn Nhân Lễ thấy khó hiểu đó là, trong số 80 hộ dân nộp tiền mua đất thời điểm đó, có 43 hộ đã được cấp sổ đỏ.
"Diện tích đất được bán nằm cùng một trục đường, tuy nhiên, những hộ mua sau đó thì lại được cấp sổ đỏ trong khi 37 hộ khác vẫn phải chờ đợi hơn 30 năm nay mà chưa biết bao giờ diện tích đất của mình mới có sổ đỏ", ông Oánh nói.
Không có sổ đỏ cũng đồng nghĩa với việc người dân không thể sang sửa, xây dựng khi nhà cửa đã xuống cấp. Từ đó dẫn đến một hiện trạng đó là bên cạnh con đường lớn chạy qua xã có những ngôi nhà tạm, lợp mái tôn nằm đan xen với những ngôi nhà cao tầng khang trang.
Tại những buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, người dân đã làm đơn thư cũng như đề nghị các cấp chính quyền xem xét giải quyết, cấp sổ đỏ để người dân an cư nhưng không có kết quả.
Đến năm 2016, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hà Nội - Chi nhánh huyện Gia Lâm đã cấp cho các hộ chưa được cấp sổ đỏ giấy xác nhận đăng ký đất đai.
"Tờ giấy này để xác định diện tích đất chúng tôi đang sinh sống nhưng không có giá trị pháp lý như sổ đỏ nếu muốn thực hiện giao dịch vay ngân hàng hoặc có giải tỏa, đền bù xảy ra", ông Oánh chia sẻ.
Chấp nhận bị phạt để xây được nhà
Là một trong những hộ dân mua đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ, ông Hoàng Văn Sung (58 tuổi) cho biết, vào năm 2019, UBND huyện Gia Lâm đã tiến hành thu hồi một phần đất phía trước nhà của các hộ dân để phục vụ việc làm đường và thu hồi một phần phía sau nhà để làm đường bờ kè sông Nghĩa Giang.
Trong các đợt thu hồi này, người dân đều được đền bù đất như giá đất ở đối với các hộ đã có sổ đỏ. Tuy nhiên, sau khi mở đường xong, người dân vẫn không được xây nhà, dẫn đến hiện trạng nhiều nhà phải ở nhà tôn tạm. Không được sửa nhà với ông Sung là một trong những bất tiện.
Ông Sung kể, thời điểm sau khi mua đất, gia đình ông muốn sửa nhà để có nơi cư ngụ an toàn hơn nhưng mỗi lần lên xã xin giấy phép xây dựng, đề nghị của ông bị gạt đi bởi lý do diện tích đất của gia đình ông đang ở chưa được cấp sổ đỏ. Không còn cách nào khác, ông Sung phải xây dựng "chui" và chấp nhận chịu phạt để gia đình có nơi ở.
Ngoài ra, ở thôn Nhân Lễ có nhiều hộ gia đình muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình nhưng không thể vay được vốn do không có tài sản đảm bảo, thế chấp. Bên cạnh đó, những hộ dân muốn giao dịch, chuyển nhượng diện tích đất đã mua cũng gặp khó hoặc bị ép giá.
"Một điều nữa chúng tôi lo lắng đó là trong trường hợp chính quyền có chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án thì trường hợp không có sổ đỏ như chúng tôi sẽ ra sao", ông Sung đặt câu hỏi.
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao diện tích đất được bán cho người dân không được cấp sổ đỏ, phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Chung, nguyên Chủ tịch UBND xã Đặng Xá. Ông Chung xác nhận, thời điểm từ năm 1992 đến năm 1994, ông đã đại diện chính quyền xã bán diện tích đất phân lô cho 80 hộ dân.
"Thời điểm đó, việc phần lô, bán nền được xã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các hộ dân sinh sống ổn định tại diện tích đất trên mà không có bất cứ khiếu kiện gì", ông Chung chia sẻ.
Về việc cấp sổ đỏ, ông Chung cho biết, thời điểm trên, việc làm sổ đỏ không được người dân tiến hành ngay. Diện tích đất sau đó vướng vào quy hoạch mở rộng đường Ỷ Lan dẫn đến khó khăn trong việc cấp sổ đỏ.
Theo đại diện UBND xã Đặng Xá, sở dĩ có tình trạng diện tích đất của nhiều hộ dân còn gặp vướng mắc trong việc làm sổ đỏ là do theo bản đồ quy hoạch năm 2009, đất của 37 hộ dân này đã được quy hoạch làm hành lang cây xanh và đường giao thông.
Hiện nay, dự án mở rộng đường Ỷ Lan đã thực hiện xong nhưng chiếu theo quy hoạch, vẫn còn một đường giao thông được quy hoạch từ năm 2009 chồng lên đường Ỷ Lan hiện chưa được dỡ bỏ, dẫn đến tình trạng đất của 37 hộ dân chưa được đưa ra khỏi quy hoạch.
Đại diện UBND xã Đặng Xá cũng thông tin thêm, đơn vị này đã đề nghị với cấp trên điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để các hộ dân được cấp sổ đỏ.
Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động hơn trong việc phối hợp thực hiện, điển hình như công tác cấp sổ đỏ.
Đồng thời, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Người dân thôn Nhân Lễ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hộ dân.